Khu kinh tế Bình Định

https://kkt.binhdinh.gov.vn


Doanh nghiệp có phát triển, tỉnh mới phát triển

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định như vậy tại buổi đối thoại với hơn 200 DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, vừa được tổ chức. “Tỉnh cam kết tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư - kinh doanh, giúp DN phát triển”, Chủ tịch Hồ Quốc Dũng cam kết.
Doanh nghiệp có phát triển, tỉnh mới phát triển
Nhiều đề xuất sát với thực tế
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, cộng đồng DN trong tỉnh đã chủ động phát huy được nội lực, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, khách quan mà đánh giá, các DN tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, cần phải tháo gỡ, xử lý kịp thời.
 
.
Tại cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng, các DN đã thẳng thắn chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như đề xuất, kiến nghị các biện pháp tháo gỡ. Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản, nêu ý kiến: Bình Định là 1 trong 4 trung tâm phát triển đồ gỗ lớn của cả nước, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Để tạo điều kiện cho các DN phát triển, tỉnh nên quy hoạch tập trung một khu công nghiệp riêng cho ngành này; quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn; phải có chiến lược phát triển theo hướng cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp nhà nước, bởi lẽ các công ty này đang chiếm rất nhiều đất nhưng năng lực cung cấp nguyên liệu thì thấp, rất hạn chế về phát triển. Đồng thời, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ DN trong việc đào tạo nghề, nhân lực cho ngành; đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt đường vận tải hàng nặng ngành gỗ kết nối với cảng quốc tế Quy Nhơn.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình Định.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CP Cảng Quy Nhơn, phản ánh: Trong năm 2019, cảng đã cán mốc 9 triệu tấn hàng thông qua, tăng 10% so với năm 2018. Dự kiến, năm 2020 cảng sẽ tiếp nhận đến 10 triệu tấn hàng hóa thông qua. Trong khi đó, công suất thiết kế của cảng chỉ đạt ở mức 5 triệu tấn nên đã quá tải, vượt gấp đôi công suất. Vì vậy, công ty đề nghị tỉnh quan tâm cho phép đầu tư, nâng cấp mở rộng kho tàng, bến bãi, cầu tàu… để nâng cao năng lực tiếp nhận tàu, hàng hóa… 
 
DN nêu ý kiến tại buổi đối thoại.
Đại diện các DN cũng kiến nghị một số vấn đề xoay quanh nội dung: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối từ khu công nghiệp đến cảng; hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho DN; có biện pháp chống giả nhãn hiệu xuất xứ từ các DN đầu tư nước ngoài. Các ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa...
“Tạo điều kiện tối đa cho DN”
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định, các DN trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tạo việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Việc hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh là trách nhiệm của các cấp, các ngành.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi đối thoại.
“Tổ chức đối thoại là để nghe DN lên tiếng, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải; từ đó để tỉnh kịp thời điều chỉnh chính sách, đưa ra những giải pháp tháo gỡ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành cùng DN, không ngừng hỗ trợ DN phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH - Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh - DN có phát triển, tỉnh mới phát triển!”.
 
Theo báo cáo của Sở KH&ÐT, trong năm 2019, toàn tỉnh có 910 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 8.000 tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên khoảng 7.000 DN. Ðến nay, tại Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp có 321 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 86.448 tỷ đồng, vốn thực hiện hơn 27.400 tỷ đồng. Trong số này có 33 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký 506 triệu USD.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá và có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2019 trên địa bàn tỉnh ước đạt 45.033 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Chia sẻ với DN, Chủ tịch Hồ Quốc Dũng thông báo, tỉnh đang tập trung tháo gỡ nút thắt hạn chế sự phát triển KT-XH nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Việc quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại, du lịch, mở rộng không gian đô thị TP Quy Nhơn đang tiến hành khẩn trương để tạo đột phá cho phát triển trong tương lai. Hiện nay, sau khi tuyến đường phía Tây tỉnh được đầu tư, Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đã quyết định liên doanh với Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Becamex - Bình Ðịnh tại xã Canh Vinh, với tổng diện tích 2.308 ha. Đây là tiền đề quan trọng cho công nghiệp của tỉnh tăng trưởng nhanh trong tương lai.
“Tỉnh sẽ tập trung đầu tư vào 4 tuyến giao thông trọng điểm để hoàn thiện hạ tầng giao thông. Bao gồm, tuyến QL 19 mới kết nối từ cảng Quy Nhơn đến QL 1A; tuyến đường từ Sân bay Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội; tuyến đường phía Tây tỉnh từ ngã năm Long Vân đến Canh Vinh và tuyến đường ven biển từ Cát Tiến đến Tam Quan... Ngoài ra, tất cả các tuyến tỉnh lộ cũng được mở rộng và thảm nhựa để hoàn thiện hạ tầng giao thông”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết.
 

Nguồn tin: Theo Nguyễn Hân Báo Bình Định:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây