Khu kinh tế Bình Định

Phát triển hệ thống logistics: Tính tất yếu của nền kinh tế hội nhập

Thứ sáu - 08/11/2019 21:12
Tìm các giải pháp khả thi để phát triển hệ thống logistics quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là chủ đề hội thảo vừa được Trường ÐH Quy Nhơn phối hợp với Học viện Chính trị khu vực I thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Trường ÐH Brement (Cộng hòa Liên bang Ðức) tổ chức.
Phát triển hệ thống logistics: Tính tất yếu của nền kinh tế hội nhập

Hệ thống dịch vụ logistics tại các tỉnh trong Vùng KTTĐMT còn thiếu và yếu, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.

- Trong ảnh: Vận chuyển, bốc xếp hàng hóa qua cảng quốc tế Quy Nhơn.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, với sự hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, logistics đã phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều thành công cho nhiều quốc gia trên thế giới. Nói đến logistics là nói đến hiệu quả và việc tối ưu hóa trong các ngành, các DN và nền kinh tế. Logistics là chuỗi các hoạt động bao gồm: Lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan…, nhằm đạt được mục đích sau cùng là vận chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.

 

“Xác định rõ hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối lưu thông hàng hóa, cung cấp dịch vụ vận chuyển nhằm làm giảm giá thành sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh của hàng hóa. Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển KT-XH, đồng thời phối hợp với Bộ GTVT nâng cấp các cảng biển, cảng hàng không, đường bộ và đường sắt. UBND tỉnh đã đề ra 6 nhóm giải pháp cụ thể để phát triển hệ thống logistics, gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật, kết cấu hạ tầng; nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN TUẤN THANH

“Trong thời đại kinh tế số và hội nhập toàn cầu hiện nay, hệ thống logistics đã trở thành cấp thiết và mang tính hệ thống không chỉ từ địa phương, quốc gia mà lan rộng, kết nối toàn cầu. Đặc biệt là việc xây dựng và phát triển hệ thống logistics quốc gia và vùng lãnh thổ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững” - PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ nhận định.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Vùng KTTĐMT), gồm 5 tỉnh, thành phố gồm: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế trải dài trên 609 km bờ biển, với tổng diện tích 27.976km2, chiếm khoảng 29,1% diện tích tự nhiên vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ là vùng hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa, dịch vụ và phát triển logistics. Trong đó, hệ thống cảng biển có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa, dịch vụ và phát triển logistics như các cảng: Quy Nhơn, Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất… Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, hệ thống logistics khu vực này còn đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Đáng chú ý là các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics chủ yếu là các DN có quy mô vừa và nhỏ, thực hiện chủ yếu các dịch vụ đơn lẻ; số lượng, năng lực chuyên môn lao động làm việc trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế.

Đánh giá một cách tổng quát về hệ thống logistics của Vùng KTTĐMT, GS.TS Đặng Đình Đào - Học viện Chính trị khu vực I, cho rằng: Hệ thống dịch vụ logistics tại các tỉnh trong khu vực còn thiếu và yếu, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Nói một cách dễ hiểu là hệ thống logistics của khu vực này chưa có các DN lớn, hoạt động theo mô hình liên kết chuỗi, mà chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, năng lực bốc xếp, vận chuyển hàng hóa còn ở mức độ khiêm tốn. Do vậy đã làm cho năng lực cạnh tranh logistics còn thấp so với nhiều vùng trong cả nước. Giữa các địa phương trong vùng chưa có quan hệ hợp tác và liên kết mà ngược lại nặng về cạnh tranh theo kiểu mạnh ai nấy làm, địa phương nào cũng muốn đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, thậm chí còn cạnh tranh thu hút nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên đổ về bằng mọi giá. Do vậy, xảy ra tình trạng dẫm chân, kìm hãm nhau, làm giảm khả năng phát triển chung.

Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển hệ thống logistics khu vực Vùng KTTĐMT và cả nước, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp mang tính thực tiễn và khả thi. Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Nhà nước phải có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề để phát triển dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, phải quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này. Phải tạo mối liên kết giữa các trường đại học trong khu vực, nhằm xây dựng các chương trình đào tạo logistics, đưa môn học logistics vào học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học chuyên ngành kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh ở các trường. Đồng thời, các trường đại học trong cả nước cần có chương trình nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp logistics phát triển như: Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật, Singapore…

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập14
  • Tổng lượt truy cập4,105,370
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây