Khu kinh tế Bình Định

Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Thứ hai - 09/06/2025 10:10
Chiều 7.6, Đoàn công tác số 1 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo 9 địa phương miền Trung gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: HẢI YẾN
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: HẢI YẾN
Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành liên quan. Về phía tỉnh Bình Định có ông Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HẢI YẾN
Tỷ lệ giải ngân chưa đạt kỳ vọng
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính đã trình bày báo cáo đánh giá tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công của 9 địa phương thuộc Tổ công tác số 1 trong 5 tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 5.2025, tổng số vốn đã phân bổ cho khu vực này là hơn 59.457 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân trung bình chỉ đạt 26,7% kế hoạch, cao hơn mức trung bình cả nước (24,1%).
Trong số này, Bình Định là địa phương có kết quả giải ngân tích cực với tỷ lệ đạt 36%, cao hơn trung bình khu vực và cả nước. Trong khi đó, một số địa phương khác như Phú Yên (17,8%) vẫn còn tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiều dự án trọng điểm.
Nguyên nhân được Bộ Tài chính chỉ ra là do quá trình xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo quy định mới đã gây xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác điều hành đầu tư công. Một số dự án buộc phải dừng thi công để rà soát, điều chỉnh quy mô, mục tiêu. Việc thực hiện dự án ODA cũng gặp khó khăn do thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư chậm, cần xin ý kiến nhiều cấp. Bên cạnh đó, các địa phương gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, bố trí tái định cư, cũng như thiếu hụt nguồn vật liệu như đất đắp, cát, đá...
Ngoài ra, nguồn vốn dành cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) cũng bị hạn chế do các địa phương phải tập trung ngân sách cho các nhiệm vụ cấp thiết như y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn hạn chế, công tác phối hợp giữa các cấp ngành thiếu chặt chẽ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là việc triển khai các dự án ODA. Trong đó, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại Bình Định, Quảng Nam và Phú Yên đang được tổng hợp, phối hợp với Bộ Tài chính. Bình Định còn 38 km đường ven biển, đáng lẽ tuyến này phải hoàn thành từ trước nhưng còn vướng chưa triển khai. Bình Định đang nỗ lực để có thể khởi công tuyến đường ven biển này trong quý IV năm nay, phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư của tỉnh đặc biệt là các dự án hạ tầng tại khu công nghiệp. Do đó, tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét tính chất khẩn cấp của các dự án ven biển, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiến độ. Chúng tôi mong muốn sớm có cơ chế đặc thù cho các dự án ODA, bởi nếu chậm trễ nữa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững khu vực ven biển miền Trung”.
Về vấn đề thiếu vật liệu xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nêu rõ: “Việc các mỏ đất, cát, đá bị ách tắc trong cấp phép khiến nhiều dự án tăng trưởng 2 con số của tỉnh bị đình trệ. Nếu không có hướng tháo gỡ kịp thời, hiệu quả đầu tư sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bình Định kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh chủ động hoàn thiện thủ tục để khai thác các mỏ này một cách chính thức và đúng quy định”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2025. Ảnh: HẢI YẾN
Tập trung giải pháp trọng tâm
Trước tình hình này, Bộ Tài chính kiến nghị các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát, sắp xếp bộ máy chính quyền cấp xã theo mô hình mới, đảm bảo không bị đứt đoạn trong công tác đầu tư. Đồng thời, các bộ ngành phải kịp thời phối hợp điều chỉnh kế hoạch vốn, kiểm tra, giám sát tiến độ giải ngân.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, thành cần thống nhất mô hình tổ chức chính quyền xã sau sắp xếp đơn vị hành chính. Trong đó, các dự án đầu tư cần được định danh rõ ràng thuộc phạm vi tỉnh hay xã quản lý. Mỗi xã, phường cần thành lập Ban quản lý dự án riêng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất. Đặc biệt, việc bố trí nhân sự cần đảm bảo sự kế thừa liên tục, tránh gián đoạn công tác đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Định. Ảnh: HẢI YẾN
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong bối cảnh còn nhiều khó khăn khách quan. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình kết luận: 9 tỉnh giải ngân tốt hơn mức trung bình cả nước nhờ nỗ lực và quyết tâm cao. Các địa phương còn chưa phân bổ hết vốn cần khẩn trương hoàn thành. Vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng phải tập trung tháo gỡ dứt điểm, không chỉ cho các dự án đang triển khai mà cả các dự án lớn trong tương lai như cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, Pleiku - Quy Nhơn, Phú Yên - Đắk Lắk… Giao thông là huyết mạch kinh tế, phải đặt trong tổng thể phát triển lâu dài.
Chính phủ sẽ tách riêng dự án đường sắt tốc độ cao, giao địa phương chủ động giải phóng mặt bằng trước khi có nhà đầu tư. Toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã cần vào cuộc, không chỉ với công trình đang làm mà cả công trình sẽ làm.
Các dự án cấp huyện vẫn phải giải ngân hiệu quả. Với hàng trăm dự án cấp huyện mỗi tỉnh, cần duy trì ban quản lý khu vực theo hướng dẫn Bộ Tài chính để xử lý công việc dở dang. Quan tâm đúng mức đến các công trình trọng điểm quốc gia, đảm bảo tiến độ và quản lý tốt vốn đầu tư công.
Về sáp nhập tỉnh, xã: Thời hạn hoàn thành trước 15.9, nhưng nơi nào xong trước thì vận hành chính quyền hai cấp ngay từ 1.7 để đảm bảo ổn định xã hội và dịch vụ công. Chính phủ xây dựng cơ chế hỗ trợ như tập huấn, trợ lý ảo, tổ thường trực các bộ và đường dây nóng để giải đáp, tháo gỡ vướng mắc kịp thời.
Yêu cầu các Ban Thường vụ lựa chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm, nhất là ở xã có dự án trọng điểm. Cán bộ phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, chuẩn bị đội ngũ vững vàng để “cất cánh”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo báo cáo các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh. Ảnh: HẢI YẾN
Việc thúc đẩy giải ngân và tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nhà đầu tư có năng lực và sự đánh giá công tâm của cán bộ. Cần rà soát lại hơn 2.300 dự án, xác định rõ khó khăn, bổ sung đầy đủ báo cáo để Chính phủ tổng hợp, tổ chức hội nghị toàn quốc tháo gỡ chung.
Đề nghị các địa phương đẩy mạnh xây dựng nhà cho người nghèo, xóa nhà tạm. Bình Định đã làm tốt, cần nhân rộng. Đây là thước đo năng lực lãnh đạo, phải lấy hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội làm trọng tâm. Từ nay đến cuối năm, các tỉnh cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt đảm bảo tiến độ và hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công.
 

Nguồn tin: Theo HẢI YẾN, Báo Bình Định::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập20
  • Tổng lượt truy cập7,494,832
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây