QUY TRÌNH ĐẦU TƯ VÀO CÁC KHU CHỨC NĂNG TRONG KHU KINH TẾ NHƠN HỘI
Thứ sáu - 08/11/2019 04:06
.(Ban hành kèm theo Quyết định số 2253/QĐ-BQL./QĐ-BQL ngày 05/12/2014 của Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định)
Quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư và các khu chức năng trong Khu kinh tế Nhơn Hội được tiến hành qua 16 bước, cụ thể như sau:
Bước 1. Khảo sát địa điểm, tìm hiểu thông tin
Nhà đầu tư được hướng dẫn tìm hiểu thông tin về quy hoạch các khu chức năng trong KKT, các chính sách pháp luật, giá thuê đất, …v.v nhằm hỗ trợ thiết lập dự án đầu tư. Phòng QLĐT thuộc BQL cung cấp các tài liệu liên quan, khi cần thiết phối hợp với các phòng chức năng giới thiệu trên thực địa.
Bước 2. Chủ trương đầu tư
- Hồ Sơ: Bản đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư;
- Cơ quan giải quyết: Ban Quản lý Khu kinh tế;
- Thời gian giải quyết: không quá 15 ngày làm việc;
- Kết quả: Căn cứ văn bản xin chấp thuận chủ trương đầu tư, BQL xem xét và có Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư nếu phù hợp. Đối với dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch ngành, quy hoạch chung xây dựng KKT Nhơn Hội, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng, BQL chủ trì lấy ý kiến của các Sở, ngành liên quan và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh để trả lời cho nhà đầu tư.
Trường hợp địa điểm đầu tư hoặc các vấn đề khác như suất đầu tư, ngành nghề, …v.v đề nghị tại văn bản xin chấp thuận chủ trương không phù hợp thì BQL sẽ có văn bản trả lời hoặc hướng dẫn nhà đầu tư điều chỉnh bổ sung trong thời hạn nêu trên.
Bước 3. Đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh
Tổ chức, cá nhân trong nước có nhu cầu thành lập doanh nghiệp hoặc chi nhánh để đầu tư trong KKT, lập thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh đăng ký thuế và khắc dấu:
3.1. Thành lập doanh nghiệp
- Hồ sơ: Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh;
- Cơ quan giải quyết: Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Thời gian giải quyết: theo quy định;
- Kết quả: Giấy chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp, Chi nhánh và Mã số thuế.
3.2. Làm con dấu
- Hồ sơ: Hồ sơ làm con dấu mới;
- Cơ quan giải quyết: Công an tỉnh;
- Thời gian giải quyết: theo quy định;
- Kết quả: con dấu mới.
3.3. Khai thuế môn bài
- Hồ sơ: Tờ khai thuế môn bài;
- Cơ quan giải quyết: Cục thuế;
- Thời hạn giải quyết: theo quy định;
- Kết quả: Biên lai nộp thuế.
Bước 4. Lập, phê duyệt Quy hoạch chi tiết
Trường hợp địa điểm đầu tư chưa có Quy hoạch chi tiết, nhà đầu tư tiến hành lập Quy hoạch chi tiết trình thẩm định phê duyệt; Trường hợp dự án đầu tư đã có Quy hoạch chi tiết được phê duyệt, nhưng không phù hợp với nhu cầu sử dụng đất của dự án, nhà đầu tư có thể đề xuất lập được lập Quy hoạch điều chỉnh.
- Hồ sơ: Hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch chi tiết;
- Cơ quan giải quyết: BQL là đầu mối xử lý hồ sơ đối với các trường hợp trình UBND tỉnh phê duyệt; các trường hợp khác thuộc thẩm quyền phê duyệt của BQL;
- Thời gian giải quyết: không quá 15 ngày đối với thẩm định nhiệm vụ và không quá 25 ngày đối với thẩm định đồ án (chưa tính thời gian trình UBND tỉnh phê duyệt).
- Kết quả: Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết.
Đối với những dự án có quy mô nhỏ hơn 5 ha thì có thể lập dự án đầu tư xây dựng mà không quy lập quy hoạch chi tiết xây dựng.
Bước 5. Ký quỹ cam kết thực hiện dự án đầu tư
Nhà đầu tư ký Bản thỏa thuận nguyên tắc về đăng ký cam kết thực hiện dự án đầu tư với BQL.
Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày ký Bản thỏa thuận nguyên tắc, Nhà đầu tư nộp tiền ký quỹ cam kết đầu tư vào tài khoản ký quỹ của BQL. Ký quỹ cam kết thực hiện dự án đầu tư là điều kiện bắt buộc, làm cơ sở để BQL xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Bước 6. Đăng ký/đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư
- Hồ sơ: Hồ sơ đăng ký/đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư;
- Cơ quan giải quyết: Ban Quản lý Khu kinh tế;
- Thời gian giải quyết: không quá 5 ngày đối với hồ sơ thuộc diện đăng ký đầu tư và không quá 15 ngày đối với hồ sơ thuộc diện thẩm tra đầu tư (chưa tính thời gian giải quyết của các Bộ ngành liên quan đối với trường hợp phải xin ý kiến);
- Kết quả: Căn cứ hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ xem xét, lấy ý kiến các cơ quan liên quan (nếu cần) và cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ có văn bản trả hồ sơ hoặc hướng dẫn điều chỉnh bổ sung trong thời hạn nêu trên.
Đối với dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có thành lập doanh nghiệp hoặc chi nhánh thì Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh. Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư tiến hành các thủ tục khắc dấu, đăng ký con dấu, đăng ký mã số thuế, thuế môn bài như hướng dẫn tại Bước 3 của Quy trình này.
Bước 7. Lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư
Đối với dự án có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng, nhà đầu tư lập dự án đầu tư, tổ chức thẩm định và phê duyệt theo quy định. Trước khi phê duyệt dự án nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở của dự án:
- Hồ sơ: Hồ sơ đề nghị cho ý kiến về Thiết kế cơ sở (từ ngày 01/01/2015 là Hồ sơ trình thẩm định Thiết kế cơ sở);
- Cơ quan giải quyết: Thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư nhóm A thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng (hoặc bộ chuyên ngành đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I, công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng), các dự án nhóm B, C thuộc thẩm quyền của BQL;
- Thời hạn giải quyết: 15 ngày đối với dự án Nhóm B, 10 ngày đối với dự án Nhóm C, dự án Nhóm A (theo quy định của Bộ Xây dựng);
- Kết quả: Văn bản tham gia ý kiến về Thiết kế cơ sở (từ ngày 01/01/2015 là Văn bản thẩm định Thiết kế cơ sở) .
Nhà đầu tư có thể triển khai đồng thời thủ tục tại Bước 7 với Bước 8 và Bước 9, tuy nhiên trước khi gửi hồ sơ môi trường về Ban Quản lý Khu kinh tế để thẩm định, nhà đầu tư phải hoàn thành dự án đầu tư (sau khi được Ban Quản lý Khu kinh tế tham gia thiết kế cơ sở) hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, chủ đầu tư chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Việc quản lý nhà nước thực hiện theo nội dung của Giấp phép xây dựng.
Bước 8. Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy
Nhà đầu tư lập hồ sơ thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo quy định và trình thẩm duyệt đối với các dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014.
- Hồ sơ: Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy;
- Cơ quan giải quyết: Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy;
- Thời hạn giải quyết: theo quy định;
- Kết quả: Quyết định thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy.
Đối với các dự án thuộc danh mục có nguy hiểm về cháy nổ thì nhà đầu tư phải trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Phòng cảnh sát PCCC) tham gia ý kiến thiết kế PCCC và thẩm duyệt thiết kế PCCC quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ.
Việc đề nghị thỏa thuận, góp ý PCCC được thực hiện đồng thời các bước lập quy hoạch, tham gia TKCS; việc đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC tham gia đồng thời với đề nghị cấp Giấy phép xây dựng (Bước 6 đến Bước 11).
Đối với các dự án, công trình không thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính Phủ vẫn phải thiết kế bảo đảm yêu cầu về PCCC theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC nhưng không bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Bước 9. Thủ tục về bảo vệ môi trường
Căn cứ các quy định về bảo vệ môi trường, Nhà đầu tư lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu dự án thuộc diện lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường) để trình thẩm định, phê duyệt hoặc lập Bản cam kết bảo vệ môi trường (từ ngày 01/01/2015 là Hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường).
- Hồ sơ: Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường (từ ngày 01/01/2015 là Hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường) theo quy định;
- Cơ quan giải quyết: các dự án thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ TNMT bao gồm các dự án theo quy định tại Phụ lục III, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ; các dự án thuộc trách nhiệm giải quyết của Ban Quản lý Khu kinh tế là các dự án đầu tư không thuộc danh mục hoặc dưới mức quy định của danh mục tại Phụ lục III, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ;
- Thời hạn giải quyết:
+ Bản cam kết bảo vệ môi trường: 05 ngày (10 ngày đối với Hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường);
+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường: theo quy định;
+ Các dự án thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ TNMT thì thời hạn thẩm định, phê duyệt theo quy định của Bộ TNMT.
- Kết quả: Văn bản chấp thuận đăng ký Bản bảo vệ môi trường (từ ngày 01/01/2015 là Văn bản xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường); Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Bước 10. Thủ tục thuê đất, xin giao đất và đăng ký quyền sử dụng đất
Trên cơ sở Giấy chứng nhận đầu tư được cấp và dự án đầu tư đã được phê duyệt, nhà đầu tư lập hồ sơ xin thuê đất, giao đất và đăng ký quyền sử dụng đất:
- Hồ sơ: Hồ sơ xin thuê đất, giao đất, đăng ký quyền sử dụng đất;
- Cơ quan giải quyết: Ban Quản lý Khu kinh tế; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định;
- Thời hạn giải quyết: theo quy định;
- Kết quả: Quyết định giao đất hoặc Hợp đồng cho thuê đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bước 11. Giấy phép Xây dựng
Trước khi tiến hành khởi công xây dựng trên mặt bằng dự án , nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng.
- Hồ sơ: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép Xây dựng;
- Cơ quan giải quyết: Ban Quản lý Khu kinh tế;
- Thời hạn: 07 ngày;
- Kết quả: Giấy phép Xây dựng.
Kể từ ngày 01/01/2015, các dự án, công trình quy định tại Khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được miễn giấy phép xây dựng.
Bước 12. Các thủ tục xác nhận sau khi hoàn thành xây dựng
Sau khi hoàn thành giai đoạn xây dựng của dự án, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục xác nhận sau đây:
12.1. Xác nhận hoàn công
Nhà đầu tư thực hiện thủ tục xác nhận hoàn công nếu có nhu cầu:
- Hồ sơ: Hồ sơ xác nhận hoàn công;
- Cơ quan giải quyết: Ban Quản lý Khu kinh tế kiểm tra và xác nhận;
- Thời hạn giải quyết: 07 ngày;
- Kết quả: Văn bản xác nhận hoàn công.
12.2. Xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án (đối với dự án thuộc diện phải xác nhận theo quy định).
- Hồ sơ: Văn bản đề nghị xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án;
- Cơ quan giải quyết: Cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện kiểm tra và xác nhận;
- Thời hạn giải quyết: theo quy định;
- Kết quả: Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.
12.3. Xác nhận về công trình phòng cháy chữa cháy (PCCC).
- Hồ sơ: Văn bản đề nghị xác nhận về công trình PCCC;
- Cơ quan giải quyết: Cơ quan thẩm duyệt thiết kế PCCC kiểm tra và xác nhận;
- Thời hạn giải quyết: theo quy định;
- Kết quả: Văn bản xác nhận về công trình PCCC.
12.4. Thẩm tra thiết kế và nghiệm thu công trình
Đối với các công trình thuộc phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng phải được Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng.
- Hồ sơ: Hồ sơ đề nghị thẩm tra thiết kế cơ sở; Hồ sơ nghiệm thu công trình;
- Cơ quan giải quyết: Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra;
- Thời hạn giải quyết: theo quy định;
- Kết quả: Văn bản thông báo kết luận thẩm tra thiết kế; Văn bản nghiệm thu công trình.
Bước 13. Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng
- Hồ sơ: Nhà đầu tư lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gửi Sở TNMT;
- Cơ quan giải quyết: Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Thời hạn giải quyết: theo quy định;
- Kết quả: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bước 14. Tuyển dụng lao động
Nhà đầu tư trực tiếp tuyển dụng hoặc thông qua các tổ chức dịch vụ liên quan để tuyển dụng lao động cho dự án. Tùy theo nhu cầu lao động của dự án, nhà đầu tư có thể chủ động thực hiện Bước 14 ở các giai đoạn sớm hơn.
Lao động nước ngoài trước khi làm việc cho dự án phải thực hiện thủ tục xin giấy phép lao động cho lao động nước ngoài theo quy định.
- Hồ sơ: Hồ sơ xin cấp Giấy phép Lao động;
- Cơ quan giải quyết: Ban Quản lý Khu kinh tế;
- Thời gian giải quyết: 10 ngày;
- Kết quả: Giấy phép Lao động.
Bước 15. Thủ tục xin phép xả nước thải
Đối với các dự án nằm ngoài KCN Nhơn Hội không có hệ thống thu gom nước thải tập trung thì thực hiện thủ tục xin phép xả nước thải:
- Hồ sơ: Hồ sơ cấp giấp phép xả thải vào nguồn nước;
- Cơ quan giải quyết: Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Thời gian giải quyết: theo quy định;
- Kết quả: Giấy phép xả thải.
Bước 16. Đăng ký hoạt động
- Hồ sơ: Sau khi hoàn thành xây dựng công trình, vận hành thử, nhà đầu tư lập thủ tục đăng ký dự án hoạt động chính thức.
- Cơ quan giải quyết: Ban Quản lý Khu kinh tế;
- Thời hạn giải quyết: 10 ngày;
- Kết quả: Văn bản thông báo dự án hoạt động chính thức.