Khu kinh tế Bình Định

Cần giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng cải cách hành chính

Thứ sáu - 08/11/2019 21:29
Ðó là yêu cầu quan trọng mà Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đặt ra cho các sở, ban, ngành, địa phương tại Công văn số 5880/UBND-KSTT ngày 1.10 về các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2019.
Cần giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng cải cách hành chính

Theo đánh giá kết quả 9 tháng năm 2019, mặc dù các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng, nhưng một số nội dung thuộc công tác cải cách hành chính (CCHC) vẫn còn hạn chế, có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng chỉ số CCHC năm 2019. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tự rà soát, tự kiểm tra và có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ CCHC. Mục tiêu đặt ra là kết quả đạt được cuối năm 2019 đối với mỗi cơ quan, đơn vị phải bằng hoặc cao hơn so với các chỉ tiêu có mức điểm cao nhất của bộ tiêu chí xác định chỉ số CCHC cấp tỉnh.

Thực hiện nghiêm cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Một trong những hạn chế đáng chú ý là một số sở, ngành chưa trình công bố danh mục TTHC theo thời gian quy định; một số địa phương chưa thực hiện tiếp nhận đầy đủ TTHC tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ). Điển hình, kết quả kiểm tra công tác CCHC tại huyện Tuy Phước mới đây cho thấy, bộ phận TN&TKQ của huyện mới thực hiện tiếp nhận đối với 123/229 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.

 

Chưa tiếp nhận đầy đủ hồ sơ TTHC tại bộ phận TN&TKQ của UBND huyện là một trong những hạn chế trong công tác CCHC của huyện Tuy Phước.

“Nhiều TTHC còn tiếp nhận và giải quyết tại bộ phận chuyên môn là chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên đối với nhiệm vụ quan trọng trong CCHC”, Phó Trưởng phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND tỉnh), ông Lê Dũng Linh, thẳng thắn.

Bên cạnh đó, hồ sơ TTHC phát sinh qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chiếm tỷ lệ rất thấp; số lượng hồ sơ giải quyết trễ hạn còn nhiều nhưng không thực hiện xin lỗi tổ chức, công dân theo quy định.

Từ thực tế đó, yêu cầu quan trọng đặt ra là các cơ quan, đơn vị phải tự kiểm tra và khắc phục ngay những thiếu sót trong việc thực hiện các quy định về niêm yết công khai TTHC; đảm bảo 100% TTHC phải được giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (trừ các TTHC thuộc lĩnh vực thanh tra).

Theo ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trung tâm sẽ thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, giảm thiểu hồ sơ giải quyết quá hạn. Đồng thời, quán triệt cho công chức được cử đến làm việc tại Trung tâm thực hiện tốt việc hướng dẫn tổ chức và công dân nộp hồ sơ trực tuyến, gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ này với công tác đánh giá, xếp loại công chức và thi đua khen thưởng cuối năm theo phạm vi thẩm quyền của Giám đốc Trung tâm.

Hết năm nay, trên 90% văn bản đi có ký số

Tính từ đầu năm 2019 đến ngày 31.8, có 194.569 văn bản được gửi, nhận liên thông trên trục liên thông với 33.130 văn bản gửi đi và 161.439 văn bản nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số giữa cơ quan, đơn vị trên trục liên thông văn bản của tỉnh thấp so với yêu cầu.

Ngày 4.10, UBND tỉnh đã tổ chức công bố các mẫu chữ ký số của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và triển khai việc ký số, phát hành văn bản điện tử có ký số trên hệ thống văn phòng điện tử liên thông. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu đẩy mạnh việc trao đổi văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản của tỉnh (trừ văn bản mật) theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2019, mỗi sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải có trên 90% văn bản gửi đi dưới dạng điện tử có ký số.

Ở một lĩnh vực khác của công tác CCHC, trong quý III/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của 4 cơ quan chuyên môn trực thuộc (Sở TN&MT, Sở VH&TT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh) và 8 địa phương (TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, các huyện: Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Tây Sơn).

Với các đơn vị sự nghiệp, Sở Nội vụ được giao nhiệm vụ khẩn trương thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt bản mô tả vị trí việc làm và khung năng lực công chức, đề án vị trí việc làm. Qua đó, đảm bảo đến hết năm 2019, 100% cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh bố trí công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm được phê duyệt.         

Nguồn tin: Theo NGUYỄN VĂN TRANG Báo BĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập22
  • Tổng lượt truy cập5,500,041
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây