Một số nội dung đáng chú ý của Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định
Thứ hai - 23/11/2020 12:25
Ngày 20 tháng 11 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 72/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định (sau đây gọi tắt là Quy chế) có 10 nội dung đáng chú ý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cụ thể như sau:
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính (bao gồm việc bổ sung thành phần hồ sơ) tại một địa điểm duy nhất thông qua Bộ phận Một cửa. Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm cấm các hoạt động giao dịch với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận chuyên môn của các cơ quan, đơn vị; trường hợp bộ phận chuyên môn cần làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân thì phải báo cáo, đề xuất cụ thể để Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, có văn bản thông tin đến tổ chức, cá nhân. Quy định này nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, phát huy vài trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra bộ phận chuyên môn thực thi công vụ.
2. Hồ sơ thủ tục hành chính do cơ quan, đơn vị nào thụ lý, giải quyết quá thời gian quy định (bao gồm cơ quan phối hợp) dẫn đến hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải trực tiếp thực hiện việc xin lỗi tổ chức, cá nhân; đồng thời, hồ sơ này được thống kê vào tổng số lượng hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trễ hẹn (hoặc quá hạn) của cơ quan, đơn vị đó để phục vụ cho công tác đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính của từng cơ quan, đơn vị. Nội dung này nhằm quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác phối hợp giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông; trong đó có trường hợp hồ sơ do một cơ quan tiếp nhận nhưng do một cơ quan khác phối hợp giải quyết quá thời gian quy định, dẫn đến trả kết quả giải quyết trễ hạn cho tổ chức, cá nhân.
3. Ngoài quy định xin lỗi do việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn như nêu trên, Quy chế còn quy định Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm thực hiện xin lỗi tổ chức, cá nhân nếu công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý để xảy ra các trường hợp: Đề nghị tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ thủ tục hành chính quá 01 (một) lần; Vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành về thực thi công vụ, văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp, dẫn đến gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Các văn bản xin lỗi phải được cơ quan, đơn vị trực tiếp gửi đến tổ chức, cá nhân thông qua đường bưu điện và niêm yết công khai tại Bộ phận Một cửa, Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị trong thời hạn ít nhất 30 ngày.
4. Thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân tại Bộ phận Một cửa các cấp bắt đầu từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 00 phút trong thời gian làm việc buổi sáng; bắt đầu từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút trong thời gian làm việc buổi chiều. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa có thời gian sắp xếp hồ sơ tài liệu và giải quyết các công việc khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
5. Đối với hồ sơ thủ tục hành chính được nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích sau khi được kiểm tra tính hợp lệ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ phải quét (scan) và lưu trữ hồ sơ điện tử, cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh để chuyển ngay đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Quy định này nhằm phát huy lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin (thông qua hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh) trong giải quyết thủ tục hành chính, giúp các cơ quan, đơn vị có thể nhanh chóng tiếp cận hồ sơ điện tử mà không phải mất thời gian chờ nhận hồ sơ giấy mới xem xét, giải quyết.
6. Quy chế làm rõ phạm vi hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện theo “cơ chế một cửa” và “cơ chế một cửa liên thông”. Cụ thể, thực hiện “cơ chế một cửa” đối với trường hợp hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của 01 (một) cơ quan duy nhất và thực hiện “cơ chế một cửa liên thông” đối với trường hợp hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của từ 02 (hai) cơ quan, đơn vị trở lên.
7. Các loại biểu mẫu trong công tác giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng “biểu mẫu điện tử” thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Chỉ với những thủ tục hành chính không thể trích xuất dữ liệu từ Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh do chưa được kết nối, tích hợp với các phần mềm chuyên ngành khác hoặc trong trường hợp xảy ra các sự cố (mất điện, hệ thống phần mềm bị sự cố…) dẫn đến không thể sử dụng Hệ thống thông tin một cửa điện tử thì công chức, viên chức mới sử dụng biểu mẫu giấy. Việc này góp phần tiết kiệm đáng kể thời gian nhập thông tin dữ liệu và quản lý hồ sơ điện tử của công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa các cấp thay cho việc thực hiện thủ công vào biểu mẫu, sổ sách bản giấy.
Đáng chú ý, “Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả” sẽ được Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh cung cấp tự động một mã hồ sơ tương ứng với một mã QR code để giúp tổ chức, cá nhân có thể tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh hoặc qua Zalo mà không cần phải trực tiếp đến Bộ phận Một cửa các cấp.
8. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh là: “Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phân công các sở, ban, ngành chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Quy chế thực hiện liên thông nhóm thủ tục hành chính có liên quan với nhau”. Theo đó, các Quy chế này có thể giúp tổ chức, cá nhân chỉ phải đến một nơi duy nhất và nộp hồ sơ một lần để đề nghị cơ quan nhà nước giải quyết cùng một nội dung công việc nhưng có quy định nhiều hơn một thủ tục hành chính, nhằm góp phần tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.
9. Theo phạm vi thẩm quyền, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa và sử dụng kết quả đánh giá để đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
10. Quy chế cũng quy định cụ thể doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phải có hình thức thông tin kịp thời cho tổ chức, cá nhân về nội dung “Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả”, “Phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ” hoặc “Phiếu từ chối tiếp nhận giải quyết hồ sơ” để tổ chức, cá nhân nhanh chóng nắm bắt về tình trạng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính hoặc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, khắc phục tình trạng tổ chức, cá nhân không kịp thời có thông tin về tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính được nộp qua dịch vụ công ích như hiện nay.
Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020./.