Khu kinh tế Bình Định

Phấn đấu nâng hạng các chỉ số cải cách hành chính

Thứ ba - 13/08/2024 12:01
Năm 2023, 3 trong 4 chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính của tỉnh Bình Ðịnh tăng hạng so với năm 2022. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tham gia góp phần cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số cải cách hành chính đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Tỉnh ủy tại Chương trình hành động số 09 về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025.
 
Người dân nộp hồ sơ TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TX An Nhơn. Ảnh: N.M
Người dân nộp hồ sơ TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TX An Nhơn. Ảnh: N.M
Vẫn còn quan liêu, né tránh trách nhiệm
Năm 2023, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Bình Định xếp hạng 19/61 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2022. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2022. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2022. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố, giảm 4 bậc so với năm 2022.
Bên cạnh những tiêu chí, tiêu chí thành phần đã tăng điểm, góp phần cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số cải cách hành chính (CCHC), vẫn còn nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần giảm điểm so với năm 2022, điểm xếp hạng thấp.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là một bộ phận người đứng đầu chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở một số cơ quan, đơn vị còn bị động, thiếu quyết liệt. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo kết nối liên thông tại một số lĩnh vực.
Ban Chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh xác định một số tồn tại, hạn chế mang tính cố hữu, trở thành những “điểm nghẽn” trong công tác CCHC của tỉnh. “Đó là tình trạng thiếu quan tâm, thậm chí là xem nhẹ, làm cho có, làm cho xong. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với cấp xã vẫn loay hoay, chậm đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, chưa thích ứng với phương thức làm việc trên môi trường điện tử. Một bộ phận công chức, viên chức vẫn còn quan liêu, sách nhiễu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm làm kéo dài thời gian hoàn thành nhiệm vụ, gây trễ hẹn hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, DN”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhận định.
Giải pháp cụ thể cho từng nội dung điểm thấp
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ban Chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh đề ra nhằm cải thiện, nâng cao kết quả các chỉ số CCHC là mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát, đánh giá lại các trục nội dung đạt điểm thấp hoặc giảm điểm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao, từ đó có giải pháp kịp thời, quyết liệt để duy trì, nâng cao kết quả trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn nhấn mạnh: UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến các nội dung về Chỉ số PAPI đến người dân; quán triệt và thực hiện tốt chủ trương “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đối với các vấn đề về phát triển KT-XH ở địa phương; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
Đối với Chỉ số SIPAS, cần tăng cường các hoạt động kiểm tra nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách TTHC; kiện toàn và nâng cao hiệu quả các kênh tiếp nhận góp ý, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về các chính sách và về việc thực hiện TTHC.
Để nâng cao Chỉ số PCI, tỉnh Bình Định đề ra nhiều giải pháp, đặc biệt là thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của cộng đồng DN, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN trên địa bàn tỉnh.
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác CCHC như một số xã, phường chưa phát huy, khai thác tốt hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC; vẫn còn tình trạng hồ sơ bị trễ hạn, nhất là lĩnh vực đất đai…, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn khẳng định địa phương quyết tâm tăng tốc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhằm góp phần cải thiện kết quả các chỉ số CCHC. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
 

Nguồn tin: Theo NGUYỄN MUỘI, Báo Bình Định:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập13
  • Tổng lượt truy cập5,180,978
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây