LTS: Hội tụ đầy đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội ổn định, tầm nhìn quy hoạch, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp tương đối hoàn thiện…, Bình Định đang từng bước vươn lên trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững, đặc biệt là công nghiệp. Sức hút của Bình Định trong lĩnh vực này đối với các nhà đầu tư không ngừng được nâng cao. Để hiểu rõ hơn về cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh Bình Định, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) khởi đăng loạt bài về phát triển công nghiệp tạo đà cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp Bình Định bứt phá. … |
Điểm đến nhiều dự án trong và ngoài nước
Trong những năm qua, Bình Định đã xác định rõ mục tiêu tập trung đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, đảm bảo tính kết nối vùng, liên vùng, mở rộng không gian đô thị.
Thực tế, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư hoàn thiện, kết nối tương đối liên hoàn, bao gồm đủ cả 5 loại hình đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, giúp kết nối thuận lợi với cả nước và các nước trong khu vực.
Việc đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng sẽ cho phép tỉnh Bình Định quy hoạch không gian phát triển mới cho đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tạo hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát với các vùng, miền trong cả nước. Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Định sẽ quy hoạch một không gian phát triển mới cho tỉnh để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Như vậy có thể thấy, tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp.
Thời gian qua, tỉnh Bình Định cũng đã thu hút nhiều dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, trong đó có cả dự án FDI. Vậy nên, việc triển khai dự án và khi đi vào hoạt động sẽ thu hút một lượng lớn lao động chất lượng cao đến Bình Định làm việc, qua đó góp phần thúc đẩy mảng bất động sản, thương mại dịch vụ phát triển.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, lũy kế từ đầu năm tới nay toàn tỉnh thu hút mới 82 dự án (6 dự án FDI) với vốn đăng ký 16.390,1 tỷ đồng (82/60 dự án, vượt 36,6% so với kế hoạch giao đầu năm 2023; 82/87 dự án, đạt 94,2% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao mới). Thực hiện điều chỉnh 64 dự án với vốn tăng thêm 3.478,07 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết sẽ tiếp tục tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào 5 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo..., tạo nền tảng và góp phần quyết định thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho tỉnh.
Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ sạch và cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là các quốc gia châu Âu và một số quốc gia phát triển khác để vừa đẩy nhanh tiến độ lấp đầy Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh vừa đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo, tạo tiền đề hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Cần phát triển KCN theo chiều sâu
Thực tế, các khu công nghiệp (KCN) đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam nói chung trong đó có Bình Định. Việc hình thành và phát triển KCN đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, trong đó có việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp. Song việc phát triển KCN thời gian qua tại Việt Nam cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, quy hoạch phát triển KCN chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể.
Để thúc đẩy phát triển KCN theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường thì việc hình thành các KCN trên các địa bàn cũng phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chí như: Phát triển về số lượng và quy mô KCN phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nên phát triển theo mô hình "Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ", bởi đây là một mũi tên nhắm đến nhiều mục đích. Mô hình này giúp hình thành đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong các khu công nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn kết giữa phát triển khu công nghiệp với đô thị tại các địa phương. Đồng thời giải quyết vấn đề nhà ở, các thiết chế văn hóa và các tiện ích xã hội, đảm bảo cuộc sống của công nhân trong khu công nghiệp, phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững.
Mặt khác, phát triển đô thị - dịch vụ đúng tầm với phát triển công nghiệp tạo nên môi trường sống lý tưởng cho các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao - những nhân tố quan trọng cho phát triển công nghiệp ổn định và bền vững. Ngoài ra, làm tốt công tác đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều KCN, phát triển các khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, giảm áp lực cho các đô thị trung tâm, thành phố lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng việc phát triển các KCN ở Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu. Nhiều doanh nghiệp chỉ đơn thuần san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư đến trong khi yêu cầu của các tập đoàn FDI cao hơn rất nhiều.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển theo mô hình KCN gắn với đô thị và dịch vụ là hướng phát triển tất yếu, bởi chỉ có đi theo hướng này mới có thể giải quyết triệt để được các bất cập, hạn chế của các khu công nghiệp hiện có. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng vào lĩnh vực này.
Các số liệu cho thấy, tỷ lệ lấp đầy hiện nay của các KCN khá tốt bởi nhu cầu lớn, mặt khác, điều này cũng đã đẩy giá cho thuê nhà xưởng, kho bãi tăng cao trong thời gian qua.
"Nhưng phải khẳng định rằng, thành công của bất động sản KCN không chỉ thể hiện ở tỷ lệ lấp đầy mà thể hiện rõ nhất ở việc có thu hút được sự đầu tư chất lượng, bền vững hay không. Muốn vậy, chúng ta cần quy hoạch những KCN hiện đại, kết hợp với khu đô thị, dịch vụ để tạo thành những khu đô thị công nghiệp đồng bộ với đầy đủ các tiện ích, giải quyết bài toán an cư và đáp ứng các nhu cầu tinh thần của người lao động trong khu công nghiệp”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chia sẻ.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, khi KCN gắn với khu đô thị và dịch vụ, đòi hỏi các KCN phải đảm bảo yếu tố xanh, sạch, sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, nhằm tạo ra một không gian sống và làm việc an toàn, chất lượng.
"Chính quyền địa phương cần làm tốt câu chuyện đầu tư phát triển các hạ tầng cơ bản, đặc biệt là hạ tầng kết nối liên vùng. Ngoài ra, chính quyền phải là người “cứng rắn” để thực thi các quy hoạch được đề ra và quy hoạch đó phải được ổn định trong thời gian lâu dài thì các nhà đầu tư nước ngoài mới đến đầu tư” - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - |
“Bên cạnh đó, việc kết nối các KCN với nhau cũng là vấn đề quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới. Do vậy, chính quyền cần làm tốt câu chuyện đầu tư phát triển các hạ tầng cơ bản, đặc biệt là hạ tầng kết nối liên vùng. Ngoài ra, chính quyền phải là người “cứng rắn” để thực thi các quy hoạch được đề ra và quy hoạch đó phải được ổn định trong thời gian lâu dài thì các nhà đầu tư nước ngoài mới đến đầu tư”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, nói thêm.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh rằng sự gắn bó chặt chẽ giữa KCN và khu đô thị sẽ đòi hỏi sự quy hoạch bài bản, cụ thể và chi tiết với tầm nhìn dài hạn hơn để tạo thành một tổng thể thống nhất. Trong đó, phải ước lượng được nhu cầu ở thực của người lao động và các chuyên gia về làm việc tại các KCN để quy hoạch diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở và các hạ tầng dịch vụ đi kèm một cách phù hợp. Nếu quy hoạch thiếu chặt chẽ và thiếu tầm nhìn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy sau này, là thừa KCN, thiếu nhà ở hoặc ngược lại.
Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho hay thực tế, việc tích tụ sản xuất công nghiệp sẽ kéo theo sự dịch chuyển lao động nên quá trình công nghiệp hóa phải gắn liền với đô thị hóa. Mô hình Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ có những tiêu chí cụ thể như quy hoạch công nghiệp phải gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng phải được xây dựng đồng bộ và hiện đại, tạo ra quá trình đô thị hóa tự nhiên.
“Xưa, người ta nhìn nhận phát triển chỉ là tăng trưởng. Bây giờ vấn đề bao trùm lên tất cả là yếu tố môi trường và sự phát triển bền vững. Nói rõ hơn, khi xây dựng và phát triển khu đô thị công nghiệp thì vấn đề môi trường là vấn đề tối thiểu phải giải quyết, sau đó là vấn đề kiến tạo không gian sống chất lượng. Bởi lúc này, chúng ta không chỉ đơn thuần là phát triển công nghiệp nữa mà còn gắn liền với đời sống an sinh của người lao động, liên quan đến nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí. Đây là những nhu cầu tất yếu, vốn dĩ đã cần nhưng hiện nay đòi hỏi sự cấp thiết hơn", TS. Võ Trí Thành, phân tích.
"Chúng ta phải tạo ra một không gian đủ thuận tiện cho việc dịch chuyển, cung ứng dịch vụ. Nhưng về lâu dài, chỉ thuận tiện thôi chưa đủ mà dần phải tiến lên thực hiện tiêu chí đáng sống. Bước phát triển mới đòi hỏi gắn với đầu tư chất lượng, công nghệ hiện đại, gia tăng lợi nhuận nhưng đi kèm với đó là kỹ năng lao động. Mà kỹ năng lao động gắn liền với một tầng lớp đặc biệt đó là các chuyên gia. Để các chuyên gia đến làm việc dài hạn thì phải tạo ra khu đô thị đáng sống mới thu hút họ đến sống và làm việc”, TS. Võ Trí Thành, nhấn mạnh.
"Chúng ta nên hướng phát triển tích hợp KCN và khu đô thị sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là khi sắp tới đang có những làn sóng đầu tư nước ngoài vào công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo" - TS. Võ Trí Thành - |
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, hướng phát triển tích hợp KCN và khu đô thị sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là khi sắp tới đang có những làn sóng đầu tư nước ngoài vào công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Bên cạnh vai trò của Nhà nước trong việc có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài đến các KCN, tạo ra các lợi thế cạnh tranh thì vai trò của các doanh nghiệp xây dựng cũng rất quan trọng.
“Nhưng ở đây phải tính toán đến vấn đề chi phí và lợi ích. Bởi, các chủ đầu tư này không chỉ tạo ra hạ tầng KCN hiện đại với những nhà xưởng, kho bãi, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư mà còn phải đầu tư các hạng mục khác, từ không gian sống nhỏ nhất như căn hộ chung cư đến các tiện ích, dịch vụ đi kèm và các hạ tầng xã hội trong khu đô thị cho người lao động. Để làm được tất cả những điều này, họ sẽ phải bỏ ra một chi phí rất lớn, đôi khi còn hơn cả lợi ích thu được. Do đó, để thúc đẩy sự phát triển các khu đô thị công nghiệp, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ nhất định", TS. Võ Trí Thành, tâm sự.
TS. Võ Trí Thành chia sẻ thêm rằng đây không phải là bài toán đơn giản và thực tế còn nhiều thách thức. Nhưng với những định hướng như hiện tại, khi nguồn lực phân bổ hợp lý, thị trường đủ uyển chuyển, đủ linh hoạt để tìm kiếm được lợi ích chung thì cơ hội vẫn mở ra cho các doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể làm được và đón được làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp trong thời gian tới./.
Nguồn tin: Theo Nguyễn Lạc, reatimes.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn