Khu kinh tế Bình Định

Bidiphar khánh thành Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư lớn nhất Việt Nam

Thứ hai - 04/12/2023 15:22
Sáng 2.12, tại Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) tổ chức Lễ khánh thành, đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn GMP-EU có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Các đại biểu Trung ương và của tỉnh cắt băng khánh thành Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn GMP-EU có quy mô lớn nhất Việt Nam do Bidiphar đầu tư.
Các đại biểu Trung ương và của tỉnh cắt băng khánh thành Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn GMP-EU có quy mô lớn nhất Việt Nam do Bidiphar đầu tư.
Tham dự lễ có ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế; ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN. Về phía tỉnh có các đồng chí: Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Bidiphar khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư tiêu chuẩn GMP-EU (Thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu) năm 2018 trên diện tích 15.350 m2, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Nhà máy được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc) và đang trên lộ trình nâng cấp lên tiêu chuẩn GMP-EU, vận hành với công suất 3 triệu sản phẩm thuốc tiêm/năm và 70 triệu sản phẩm thuốc viên/năm.
Nhà máy được đầu tư những thiết bị hoàn toàn tự động, khép kín và ứng dụng công nghệ hiện đại của sản xuất dược phẩm như: Công nghệ sản xuất thuốc vô trùng; công nghệ cô lập; công nghệ đông khô; công nghệ điều khiển và thu thập dữ liệu tự động; công nghệ đóng gói tự động và kiểm soát truy vết.
Nhà máy đi vào hoạt động nhằm phục vụ sản xuất dòng sản phẩm dược phẩm chủ lực của Bidiphar được phát triển từ dự án KH&CN cấp nhà nước có quy mô và kinh phí lớn nhất cả nước trong lĩnh vực y tế vào thời điểm thực hiện từ năm 2014 - 2019.
Tổng Giám đốc Bidiphar Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, việc khánh thành nhà máy mới thuốc điều trị ung thư với 2 dây chuyền thuốc tiêm, thuốc viên được đầu tư và áp dụng hệ thống quản lý theo GMP-EU sẽ tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng thuốc cũng như góp phần tích cực vào việc chủ động thuốc ung thư sản xuất trong nước với chi phí hợp lý. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
Tổng Giám đốc Bidiphar Phạm Thị Thanh Hương báo cáo đầu tư dự án 2 nhà máy.
* Cùng ngày, Bidiphar tổ chức lễ khởi công Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-EU được xây dựng trên diện tích 25.000 m2 nằm trong cụm nhà máy dược phẩm công nghệ cao của đơn vị, với tổng vốn đầu tư 840 tỷ đồng. Dự kiến, đến năm 2027 nhà máy đi vào hoạt động sản xuất các sản phẩm thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt và các dạng thuốc vô trùng khác, công suất 120 triệu sản phẩm/năm. Đây là một trong số dự án đầu tư đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Bidiphar, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp Dược, giúp Việt Nam chủ động và bình ổn giá thuốc, người dân được tiếp cận thuốc chất lượng với chi phí hợp lý, đáp ứng mục tiêu chiến lược của Chính phủ “Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 80% nhu cầu điều trị vào năm 2030”.
Các đại biểu Trung ương và của tỉnh thực hiện nghi thức bấm nút khởi công Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-EU.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang khẳng định thành công của dự án nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư và khởi công nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ của Bidiphar là minh chứng cho việc Bình Định có nhiều lợi thế và tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự kiện này cũng là động lực mới trong hành trình phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bình Định trong những năm tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang khẳng định sự kiện này của Bidiphar là động lực mới trong hành trình phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bình Định trong những năm tới.
Phát biểu chúc mừng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, đến nay nước ta có hơn 200 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO; thuốc sản xuất trong nước hiện đáp ứng hơn 60% nhu cầu điều trị. Điều này góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng thuốc cho người dân, nhất là khi xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm lớn, như trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Đồng thời khẳng định Bidiphar là một trong những doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam đã góp phần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho các bệnh viện để phục vụ nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh việc đầu tư nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư và nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo chuẩn GMP-EU của Bidiphar chứng minh lựa chọn đúng đắn khi tập trung nghiên cứu, phát triển các dòng thuốc đặc trị, thuốc có kỹ thuật bào chế tiên tiến, công nghệ hiện đại.
Để sản xuất được dòng thuốc điều trị ung thư và đưa vào sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh, được các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, khoa ung bướu của các bệnh viện trong cả nước tin dùng, Bidiphar đã phải trải qua quá trình nghiên cứu, phát triển lâu dài và sự đầu tư nguồn lực rất lớn; đồng thời có sự hỗ trợ không nhỏ từ Bộ KH&CN và các viện, trường ĐH y dược.
“Việc đầu tư nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư và nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo chuẩn GMP-EU chứng minh lựa chọn đúng đắn của Bidiphar, khi tập trung nghiên cứu, phát triển các dòng thuốc đặc trị, thuốc có kỹ thuật bào chế tiên tiến, công nghệ hiện đại nhằm thay thế các thuốc hiện đang phải nhập ngoại, góp phần quan trọng để ngành y tế nước ta chủ động nguồn thuốc có chất lượng cao phục vụ bệnh nhân với mức chi phí hợp lý”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn GMP-EU.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bidiphar tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự, ứng dụng KH&CN, công nghệ thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển, sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, đặc biệt dòng thuốc điều trị ung thư hướng tới các sản phẩm điều trị đích, sản phẩm công nghệ sinh học nhằm góp phần hiệu quả hơn nữa vào việc cung cấp thuốc chất lượng, hiệu quả giá thành hợp lý cho người dân. Công ty cần ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, góp phần hiện đại hóa ngành dược. Mặt khác, tập trung nguồn lực, chủ động đột phá trong lợi thế cạnh tranh  từ cây dược liệu của địa phương; phát triển dự án vùng trồng dược liệu, đưa dược liệu thành nguyên liệu đầu vào thông qua công nghệ chiết suất, tinh chế, tiêu chuẩn hóa và phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
 

Nguồn tin: Theo MAI HOÀNG, Báo Bình Định:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập49
  • Tổng lượt truy cập5,511,275
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây