Khu kinh tế Bình Định

Chín muồi cơ hội đẩy mạnh ngành logistics của Bình Định và mô hình KCN khép kín trên nền tảng logistics

Thứ hai - 20/01/2020 07:46
Các trung tâm kinh tế - thương mại lớn, các đầu mối giao thông liên vận tầm châu lục hay lớn hơn là các điểm lý tưởng để hình thành các trung tâm Logistics với quy mô toàn cầu. Đã từ lâu, ngành Logistics được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Tại Châu Á, đã có nhiều trung tâm logistics cấp toàn cầu được hình thành và hoạt động hiệu quả, điển hình như Hồng Kông, Singapore, Ấn Độ, …
.
.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14-16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Trong điều kiện, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh và đều trong nhiều năm qua, riêng năm 2019 tốc độ tăng trưởng đạt 7,02 %, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,6 % đến 6,8%), Chính phủ đặc biệt quan tâm đề cao tầm quan trọng của Logistics và đưa ra nhiều chính sách, biện pháp để xây dựng Việt Nam thành một trung tâm logistics tầm quốc tế tiếp theo tại Châu Á. Tại Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Chính phủ đã khẳng định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Cũng theo Kế hoạch này, Quy Nhơn sẽ được xây dựng thành trung tâm Logistics loại II, là định hướng để thúc đẩy phát triển mạnh ngành logistics tại Bình Định gắn với xây dựng và phát triển các KKT, KCN tỉnh Bình Định. Nhất là khi khởi tạo KCN Becamex Bình Định với quy mô 1.000 ha tại xã canh Vinh, huyện Vân Canh, thuộc phần diện tích mở rộng 2.308 ha của KKT Nhơn Hội theo Quyết định 514/QĐ-TTg ngày 08/5/2019 về phê duyệt tổng thể điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung KKT Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến 2040.
Hiện nay, điều kiện về hạ tầng giao thông của Bình Định đã được cải thiện khá tốt và mang tính tổng thể, từ hệ thống nội tỉnh cho đến các đầu mối kết nối với bên ngoài, phát triển đồng thời, đầy đủ các phương thức vận tải như đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không, hoạt động với tầng suất cao, bảo đảm khả năng đáp ứng cầu thị trường. Đặc biệt, Cảng Quốc tế Quy Nhơn đã vượt trên 9 triệu tấn hàng trong năm 2019 và dự kiến 10 triệu tấn vào năm 2020, sân bay Phù Cát đã có tần suất bay hàn chục chuyến hàng/ngày và cũng đã  đón chuyến bay quốc tế đầu tiên của hãng Bamboo Airways vào dịp đầu năm 2020. Những điều đó càng cho thấy lợi thế mạnh về giao thông của địa phương. Bên cạnh đó, Cam kết của Bình Định với Tổng Công ty Becamex IDC (Công ty mẹ của Công ty Becamex Bình Định) cũng đã được thực hiện, Tuyến đường phía Tây tỉnh (ÐT 639B), đoạn từ xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) đi xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn, Bình Định) đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng, kết nối KCN Becamex Bình Định với Quy Nhơn tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của tỉnh, tăng thêm cơ hội cho ngành logistics của địa phương.
Quy Nhơn đã được Chính phủ xác định là vị trí xây dựng Trung tâm logistics loại II, do vậy hệ thống kho bãi phục vụ tại chỗ và vệ tinh phải được bố trí phù hợp, bảo đảm phục vụ thuận lợi, thông suốt cho nguồn hàng tại chỗ, như sản phẩm công nghiệp từ các KCN, KKT, hàng nông sản từ các huyện, xã; đồng thời, cũng là kho trung chuyển, chuyển tiếp hàng hóa từ các tỉnh lân cận, Tây nguyên hay Nam Lào và Đông Bắc Campuchia thông qua Quốc lộ 1 và Quốc lộ 19. Thực trạng quỹ đất dọc các tuyến Quốc lộ và các tuyến đường dẫn đến các KCN, nhất là KCN Becamex Bình Định rất thuận lợi để bố trí xây dựng hệ thống kho bãi một cách tối ưu cho hoạt động logistics. Hiện tại, kho bãi Nhơn Tân nằm trên địa bàn xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn đã được xây dựng nên cần khai thác, phát huy lợi thế này cho ngành logistics hoạt động theo tuyến Quốc lộ 19.
Nhìn chung, đến thời điểm hiện nay, điều kiện hạ tầng khá thuận lợi để đẩy mạnh phát triển logistics tại Bình Định, trong đó đáng chú ý là việc đầu tư xây dựng hạ tầng gắn với các KKT, KCN để nâng cao hiệu quả sản xuất theo chuỗi, từ khâu tiền sản xuất cho đến người tiêu dùng trực tiếp đối với các sản phẩm công nghiệp. Điều đó cũng rất phù hợp với chủ trương của Chính phủ đưa ra là xây dựng “Một số khu công nghiệp, khu chế xuất cung cấp các dịch vụ logistics khép kín, hỗ trợ doanh nghiệp trong khu rút ngắn thời gian, chi phí giao nhận nguyên vật liệu và sản phẩm”. Thật dễ dàng nhận thấy KCN Becamex Bình Định là địa điểm tối ưu để triển khai mô hình này. Ngoài thuận lợi về hạ tầng logistics, Chủ đầu tư KCN Becamex Bình Định còn có những ưu thế đặc biệt về lĩnh vực này, Tổng công ty Becamex IDC là một trong những tập đoàn đầu ngành về lĩnh vực Logistics tại Việt Nam.  Hơn thế nữa, Becamex IDC cũng đã bắt tay với Warburg Pincus. Ngày 12/02/2018, thông qua truyền thông tại Singapore và TP.HCM, Tổng công ty Becamex IDC và Quỹ đầu tư Warburg Pincus đã công bố thành lập liên doanh có tên là Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW với mục tiêu tập trung vào bất động sản công nghiệp, kho bãi và dây chuyền logistics khép kín. Vốn đầu tư cam kết cho liên doanh này lên đến hơn 200 triệu USD. Cũng cần nói thêm, theo Bloomberg, Warburg Pincus LLC là quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân được thành lập từ năm 1939. Công ty này đặt tổng hành dinh tại Mỹ và có các văn phòng vùng tại châu Á, châu Âu và Canada. Theo thông tin từ Warburg Pincus, hiện quỹ này đang quản lý hơn 44 tỉ USD giá trị tài sản thông qua một danh mục đầu tư đa dạng, gồm hơn 150 công ty thuộc các khu vực địa lý khác nhau, ngành nghề khác nhau và giai đoạn tăng trưởng khác nhau. Đây cũng là một đơn vị gọi vốn chuyên nghiệp, khi đã huy động vốn thành công lên đến 60 tỉ USD cho hơn 800 công ty trên toàn thế giới. Lĩnh vực chính mà quỹ đầu tư này hiện tập trung gồm năng lượng, dịch vụ tài chính, y tế - tiêu dùng, công nghiệp - sản xuất, bất động sản, công nghệ - truyền thông - liên lạc.
Được hưởng nhiều lợi thế hiện hữu hay tiềm năng, như quy mô diện tích KCN lên cả ngàn héc-ta, thế mạnh hạ tầng logistics sẵn có cho đến năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, đặc biệt vừa là chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng vừa là nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu quốc gia, lại được tiếp sức của quỹ đầu tư đại gia trên thế giới, KCN Becamex Bình Định chắc chắn sẽ trở thành một KCN với mô hình khép kín, dựa trên nền tảng logistics, cùng đồng hành phát triển và góp phần chủ lực vào ngành logistics  của Bình Định mà Quy Nhơn là đầu mối trung tâm cho các hoạt động liên vận nội địa và quốc tế. Chúng ta cũng hy vọng rằng, mô hình KCN này sẽ là động lực thúc đẩy mạnh và nhanh hơn nữa ngành logistics của Bình Định. Có thể khởi động với các sản phẩm công nghiệp nhưng các mặt hàng khác, như sản phẩm nông - lâm nghiệp, hải sản, khoáng sản, may mặc, … là những thế mạnh của tỉnh cần sớm được nghiên cứu thúc đẩy sản xuất theo chuỗi logistics để tăng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Hiện nay, các chính sách pháp luật về logistics rất được quan tâm và đang ngày càng thiện, tiếp theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành Dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics (có hiệu lực từ ngày 20/02/2018). Việc ban hành Nghị định này đã bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics như đề ra trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Ngày 18/07/2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông…. Việt Nam đang được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ Logistic, Chính phủ đã thể hiện rõ cam kết hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, các điều kiện sẵn có về hạ tầng và năng lực nhà đầu tư chiến lược cũng rất thuận lợi. Do vậy, thành công trong việc xây dựng KCN Becamex theo mô hình dựa trên nền tảng logistics là hoàn toàn nằm trong mong đợi và tùy thuộc vào quyết tâm hành động của chúng ta, chính quyền địa phương các cấp, Ban Quản lý Khu kinh tế, các sở ngành và Nhà đầu tư chiến lược  - Tập đoàn Becamex IDC. Mục tiêu này phải được đặt ra ngay từ bây giờ và giữ vững theo định hướng trong suốt tiến trình xây dựng và thu hút đầu tư KCN Becamex Bình Định.
 

Tác giả bài viết: Dương Ngọc Oanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập9
  • Tổng lượt truy cập5,502,011
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây