Những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện phương án bồi thường và thu hồi đất trên đất có mồ mả
Thứ sáu - 18/08/2023 06:15
Để đạt được các mục tiêu và chính sách phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong các giai đoạn 2020 -2025 thì công tác lập quy hoạch, kế hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ cho các dự án để thực hiện các công trình, dự án phục vụ cho quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế xã hội là một khâu quan trọng, then chốt của quá trình thực hiện kế hoạch phát triển của địa phương.
Trong đó, công tác thi hành quyết định thu hồi đất là rất quan trọng và không thể thiếu những quy định chặt chẽ trong hệ thống pháp luật về đất đai. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang trên tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó Luật Đất đai năm 2013 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã quy định đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ hơn về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất khi có đất bị thu hồi, điều này đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong xã hội và đạt một bước tiến bộ trong quá trình thực hiện chính sách quản lý về đất đai và sử dụng đất đai của Nhà nước. Mặc dù đã có những quy định rõ ràng, đầy đủ và chặt chẽ hơn về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất khi có đất bị thu hồi nhưng việc triển khai quyết định thu hồi đất đảm bảo thực hiện kịp thời, đúng tiến độ về thời gian thì mới thực hiện được tổng thể dự án. Muốn thực hiện được việc thu hồi đất thuận lợi phải đáp ứng được các điều kiện đó là: Phải giải quyết được quyền và lợi ích chính đáng cho người có đất bị thu hồi; triển khai, giải thích đầy đủ ý nghĩa việc thu hồi đất để có sự đồng thuận hợp tác, sự chấp hành pháp luật của người có đất bị thu hồi và cũng phải thực hiện nghiêm minh đối với một bộ phận nhỏ người dân còn dây dưa, chây ỳ để cho việc thực hiện dự án đồng bộ, đảm bảo được tính nghiêm minh, sự công bằng.
Tuy nhiên, trên thực tế quá trình thực hiện quyết định thu hồi đất thực hiện dự án vẫn còn những khó khăn đối với trường hợp thu hồi đất có mồ mả. Sau khi Luật Đất đai năm 1993 được ban hành thì Nghị định số 64/1993/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ có quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Nếu như việc giao đất mà người dân sử dụng đúng mục đích như trong quyết định thì việc thu hồi không khó nhưng theo phong tục tập quán của từng địa phương người dân thường chôn cất người thân khi chết trong vườn nhà hoặc trên phần đất ruộng trồng lúa, trồng hoa màu của gia đình mình. Khi thực hiện quyết định thu hồi đối với diện tích đất này để thực hiện các dự án thì trên đất đã có mồ mả. Việc di chuyển mồ mả nằm trong vùng đất cần phải giải phóng mặt bằng là hết sức khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thu hồi đất bởi vì nhiều người không tự giác chấp hành mà việc cưỡng chế lại đụng chạm vào vấn đề tâm linh mà ai cũng biết mồ mả là nơi chôn cất thi thể, hài cốt của thân nhân người có đất bị thu hồi nên đụng chạm vào vấn đề thiêng liêng được họ tôn thờ và ăn sâu trong tiềm thức văn hóa, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của người dân.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu một người có hành vi xâm phạm mồ mả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 246 “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”.Ngoài ra, tại Điều 607 Bộ luật Dân sự người thực hiện hành vi xâm phạm mồ mả còn có thể phải bồi thường thiệt hại. Từ những quy định nêu trên cho thấy, vấn đề bảo vệ mồ mả của người chết đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm và có biện pháp xử lý rất nghiêm khắc. Do đó mồ mả của người đã chết không những là tâm linh, tín ngưỡng của người sống đối với người chết mà còn được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện: 1. Khi UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất nhưng thực tế tại thời điểm thu hồi thì diện tích đất này do hai chủ thể khác nhau đang quản lý thông qua một giao dịch dân sự cho thuê dài hạn được pháp luật thừa nhận và khi hai bên xác lập hợp đồng Nhà nước chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thời điểm UBND có thẩm quyền đã ra quyết định thu hồi đất nhưng người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chết và trên đất lại có sẵn một số ngôi mộ của dòng tộc người có quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật thì quyền và nghĩa vụ của người đã chết thuộc về người thừa kế; thời hạn hợp đồng thuê đất chưa hết do đó ai là người phải có nghĩa vụ thực hiện việc di dời mồ mả.
2. Đối với diện tích đất bị thu hồi đã được chuyển nhượng nhiều lần (chỉ làm giấy tay), những người ở trên đất trong quá trình sử dụng mà có thân nhân chết họ đều chôn cất trên phần đất đó. Đến thời điểm quy hoạch phải giao đất lại chưa thể xác định thân nhân của mồ mả là ai? những người này cư trú ở nhiều nơi khác nhau chưa xác định ở đâu nên Đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng không thể liên lạc được để yêu cầu họ di dời mộ thì ai có trách nhiệm phải di dời hoặc cơ quan tổ chức nào có trách nhiệm phải di dời và đối với trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào khi có khiếu nại của thân nhân người chết quay về tìm nên rất khó khăn đối với công tác giải phóng mặt bằng.
3. Trước khi có phương án thu hồi đất trong phần diện tích đất thu hồi mà có mồ mả thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng khi lập phương án tổng thể sẽ tiến hành kiểm đếm số lượng mồ mả và lên phương án bồi thường, di chuyển mồ mả, dự kiến địa điểm chuyển đến một cách hợp lý nhất. Phương án tổng thể này được niêm yết công khai và lấy ý kiến của người có đất bị thu hồi. Theo quy định trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Thẩm quyền thu hồi đất thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định và đã quá 30 ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất thì sẽ bị cưỡng chế. Thời hạn phải dời mồ mả được ấn định trong các văn bản để thực thi là quá ngắn làm cho những người có mồ mả, nhất là khi họ ở xa, không có đủ thời gian bố trí việc dời đi nơi khác. Về chi phí bồi thường di dời mồ mả thường được tính ở mức bình quân, chính sách bồi thường chưa thật sự quan tâm nghiên cứu và chưa xem xét đến hoàn cảnh của từng người có mồ mả phải di chuyển để có kế hoạch giúp đỡ một cách thiết thực.
4. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; đại diện của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND và UBMTTQ cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước thì có thể ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Như vậy theo quy định trên thì trong thời hạn đã quá 30 ngày có trường hợp chủ sử dụng đất là người không có mặt ở địa phương do điều kiện công tác học tập hoặc đi làm ăn xa không thể liên lạc được do đất đã cho thuê dài hạn. Nên việc di dời mồ mả không thể thực hiện được trong thời gian ấn định. Mặt khác, do mồ mả người chết theo phong tục tập quán và là vấn đề tâm linh không thể muốn chuyển dịch di dời ở thời điểm nào cũng được mà phải xem ngày giờ chọn thời điểm di dời thích hợp, đây cũng là một vấn đề khó khăn dẫn đến việc không thể thực hiện đúng thời hạn.
5. Người bị giao đất không còn phần đất nào khác thì việc di dời mộ đến phần đất khác không thể thực hiện được chỉ trừ trường hợp thân nhân của những ngôi mộ chọn phương án lấy cốt gởi chùa. Việc quy hoạch nghĩa trang ở địa phương chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu nên không bố trí sắp xếp được nơi di dời mộ cho người dân. Mặt khác việc di dời mồ mả hay lấy cốt liên quan đền nhiều thân nhân trong gia đình và tất cả họ phải có ý kiến đồng thuận mới thức hiện được phương án di dời.
6. Việc thực hiện di dời đối với mộ đất không còn bia chưa xác định được nhân thân của người có mộ, mộ vô chủ thì ai là người phải thi hành quyết định này. Trong quá trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng người sử dụng đất có quyền được bồi thường nhưng việc thu hồi giải phóng mặt bằng nhiều khi không tuân thủ trình tự do pháp luật quy định, giá đất được bồi thường và giá đất thực tế chênh nhau quá lớn, trong đó có chi phí di dời về mồ mả theo mức quy định chưa phù hợp với thực tế không đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và người có trách nhiệm di dời đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời hạn chậm thực hiện quyết định thu hồi đất.
7. Nhìn chung, những quy định của pháp luật hiện hành đã tạo được cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình thu hồi đất, đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất nhưng dù có quy định chặt chẽ trong luật cũng chưa dự liệu hết những phát sinh vướng mắc, khó khăn trên thực tế như: Việc bồi thường giá trị của từng ngôi mộ chỉ được tính mặt bằng chung do hiện nay có những ngôi mộ chỉ đắp đất, nhưng có ngôi mộ lại xây dựng kiến cố, thậm chí xây dựng thành một khu nhà mồ giá trị thực tế bỏ vào lên đến vài trăm triệu; hoặc những ngôi mộ mới chôn việc di chuyển khi mà chưa “sạch cốt”; việc xem xét bồi thường cùng một khu đất quy hoạch nhưng giá trị bồi thường còn chênh lệch khá xa; nếu phải cưỡng chế thì người thi hành việc cưỡng chế cũng rất ngán ngại khi đụng chạm vào vấn đề tâm linh hoặc có những trường hợp thân nhân của những ngôi mộ bị đào bới để quy hoạch sẽ ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần của họ. Do vậy quá trình thực hiện quyết định thu hồi đất khó di dời đúng thời hạn quy định, dẫn đến kéo dài việc thực hiện dự án và kéo theo hệ lụy làm thiệt hại cho dự án.
8. Để chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các địa phương trong quá trình thực hiện; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người bị thu hồi đất. Những quy định của pháp luật đất đai hiện hành chưa đảm bảo được tính khả thi trên thực tế đối với việc thực hiện quyết định thu hồi đất mà trên đất có mồ mả. Những bất cập nêu trên cần phải được xem xét và định hướng những khả năng phát sinh trên thực tế bằng việc quy định cụ thể khi sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề thu hồi quyền sử dụng đất mà trên đất có mồ mả. Đồng thời, về lâu dài từng địa phương phải làm công tác thuyết phục, tuyên truyền để người dân có ý thức và cũng rất cần có sự quy định vùng đất để làm nghĩa trang ở từng địa phương, chấm dứt việc chôn cất thân nhân khi chết ở khu đất được cấp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng mà phải có quy định nơi chôn cất người chết ở vùng đất quy hoạch, có như vậy mới đảm bảo cảnh quan chung và đảm bảo cả mặt tâm linh “mồ yên, mả đẹp” cho người chết theo truyền thống của người Việt.