Khu kinh tế Bình Định

Thực hiện các quy định về thu gom, lưu giữ, quản lý và xử lý chất thải rắn công nghiệp

Thứ sáu - 17/02/2023 09:12
Ban Quản lý Khu kinh tế vừa có chỉ đạo đến các Doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội và các Khu công nghiệp thực hiện các quy định về thu gom, lưu giữ, quản lý và xử lý chất thải rắn công nghiệp tại văn bản số 120/BQL-QLTNMT ngày 10/2/2023.
 
Thực hiện các quy định về thu gom, lưu giữ, quản lý và xử lý chất thải rắn công nghiệp
Trong thời gian qua, trên cơ sở các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT), công tác thu gom, quản lý và xử lý chất thải rắn công nghiệp (thông thường và nguy hại) tại các doanh nghiệp trong KKT Nhơn Hội và các Khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã có bước cải thiện rõ rệt, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn công nghiệp tại nguồn, bố trí khu vực lưu chứa tạm thời và ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng đến thu gom, vận chuyển, xử lý định kỳ đúng quy định, góp phần tạo dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại mặt bằng của doanh nghiệp nói riêng và toàn phạm vị quy hoạch KKT, KCN nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất như: Xây dựng khu vực lưu chứa chất thải chưa đảm bảo; công tác phân loại chất thải tại nguồn không đúng quy định (để lẫn chất thải công nghiệp với chất thải sinh hoạt), chuyển giao chất thải cho các đơn vị không có chức năng thu gom, xử lý hoặc có nhưng không tạo lập các biên bản, chứng từ chuyển giao theo quy định, …; và đã có những trường hợp vi phạm đến mức cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức nhiều đợt thanh/kiểm tra để xử lý.
   
Từ thực trạng nêu trên, để đảm bảo công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp tại các doanh nghiệp trong thời gian tới được đưa vào nề nếp, đúng quy định; trên cơ sở các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022, Ban Quản lý KKT hướng dẫn và đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:

1. Bố trí nhân sự phụ trách công tác bảo vệ môi trường tại dự án của doanh nghiệp và giao nhiệm vụ phải thường xuyên rà soát, nghiên cứu các nội dung quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp trong các văn bản pháp luật nêu trên.

2. Chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục công tác phân định, phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại ngay tại nguồn phát sinh và bố trí khu vực, kho hoặc thiết bị lưu giữ đúng quy định, cụ thể:
- Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường:
+ Khu vực, kho lưu giữ đảm bảo quy định tại khoản 3, 4 Điều 33 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT (Có độ cao nền đảm bảo không bị ngập lụt; mặt sàn bảo đảm kín, không rạn nứt, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; có mái che kín mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ; có bờ bao, hệ thống thu gom, xử lý nước mưa chảy tràn, nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường và có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi chứa (nếu lưu giữ ngoài trời...).
+ Thiết bị, dụng cụ lưu giữ đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT (Đảm bảo lưu giữ an toàn, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ; bao bì mềm buộc kín, bao bì cứng có nắp đậy kín đảm bảo ngăn chất thải rò rỉ hoặc rơi vãi ra môi trường,...).
- Đối với chất thải nguy hại: Khu vực, kho lưu giữ đảm bảo quy định tại khoản 6, Điều 35 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT (Mặt sàn trong khu vực lưu chứa phải đảm bảo kín khít, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, đảm bảo không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn; phải trang bị các dụng cụ, thiết bị, vật liệu như: dụng cụ, thiết bị PCCC, cát khô hoặc mùn cưa,…; có biển dấu hiệu cảnh báo đảm bảo kích thước tối thiểu 30 cm mỗi chiều,…).
Lưu ý: Chỉ được lưu giữ chất thải nguy hại không quá 01 năm kể từ thời điểm phát sinh, trường hợp lưu giữ quá thời hạn nêu trên thì phải báo cáo bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo môi trường định kỳ gửi cơ cơ quan chức năng để theo dõi, giám sát.

3. Ký Hợp đồng với đơn vị có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp để xử lý hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân đã có hợp đồng chuyển giao cho các cơ sở sản xuất có chức năng đồng xử lý chất thải phù hợp hoặc cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp (đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường); ký hợp đồng với đơn vị thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phù hợp.
Trường hợp doanh nghiệp tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải thì phải thực hiện theo nội dung hồ sơ môi trường của dự án đã được cơ quan chức năng cấp phép.

4. Sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho mỗi lần chuyển giao chất thải theo Mẫu số 03, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và chứng từ CTNH theo Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

5. Định kỳ hàng năm, tổng hợp tình hình phát sinh, xử lý lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở vào nội dung Báo cáo công tác bảo vệ môi trường (theo hướng dẫn của Ban Quản lý KKT tại Văn bản số 1993/BQL-QLTNMT ngày 19/12/2022 đã gửi đến các doanh nghiệp).    
 

Tác giả bài viết: Đình Sang, Kim Hoa Phòng QLTNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập15
  • Tổng lượt truy cập5,501,164
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây