Khu kinh tế Bình Định

Tháo gỡ vướng mắc, tập trung cao cho nhiệm vụ cải cách hành chính

Thứ ba - 25/07/2023 07:22
Sáng 19.7, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên họp thứ 5 sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ CCHC những tháng cuối năm 2023.
 
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N.H
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N.H
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, cùng các thành viên Ban chỉ đạo CCHC tỉnh.

6 tháng đầu năm 2023, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 178 văn bản, các địa phương ban hành 2.054 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện tốt các nhiệm vụ CCHC trên từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Tính đến ngày 21.6.2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt 35,03% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384 nhiệm vụ, đạt 46,09% so với kế hoạch.

Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy; các bộ, cơ quan ngang bộ cơ bản hoàn thành việc rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan mình theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian.
Cải cách công vụ tiếp tục được quan tâm. Công tác thể chế về quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, toàn diện, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách và nâng cao hiệu quả phân phối, sử dụng hợp lý các nguồn lực tài chính.
Lĩnh vực xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số được tập trung quyết liệt, nhất là hoàn thiện khung pháp lý; đẩy mạnh xây dựng các nền tảng phát triển chính phủ điện tử; quan tâm xây dựng các hệ thống thông tin để đổi mới lề lối, phương thức làm việc của cơ quan nhà nước…

Tại Bình Định, với tinh thần quyết liệt đổi mới, sáng tạo, UBND tỉnh đã quán triệt các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp đẩy mạnh CCHC và đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành và triển khai theo hướng “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”, tập trung vào phát triển KT-XH phải gắn với đẩy mạnh CCHC; giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho người dân, DN phát triển kinh tế.

Đến nay, 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 100% UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện mô hình Bộ phận một cửa điện tử. Toàn tỉnh hiện có 1.375 thủ tục hành chính (đạt 60,06%) đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình và một phần; thực hiện tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với 1.410 dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình và một phần đạt trên 31,99%. Công bố danh mục 541 thủ tục hành chính thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định. Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 80.833 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, tăng 35.962 hồ sơ so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn, đúng hạn của toàn tỉnh đạt 99,9%, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Với sự quyết tâm, nỗ lực lớn của các cấp, ngành trong lãnh đạo điều hành, tổ chức thực hiện, công tác CCHC trong những tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số ngành, địa phương vẫn chưa trọng tâm, trọng điểm. Việc tham mưu văn bản chưa kịp thời, sát với thực tiễn. Công tác cải cách thủ tục hành chính còn chậm; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được mong muốn. Việc xây dựng chính quyền điện tử ở một số địa phương hiệu quả chưa cao...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác CCHC, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngành tập trung ưu tiên vào các nội dung có trọng tâm, trọng điểm, nhất là rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc; đẩy mạnh rà soát, cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ.

Phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác CCHC, coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện các quy định về cơ cấu, vị trí việc làm tại nội bộ các đơn vị; đẩy mạnh sắp xếp, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời các yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC...
 

Nguồn tin: Theo N.Hân Báo Bình Định:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập46
  • Tổng lượt truy cập5,500,187
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây