Lạm phát tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm tăng cao khiến càng về cuối năm, các DN ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định càng thêm khó khăn; đơn hàng sụt giảm, bị hủy, bị giãn thời gian, sản xuất cầm chừng. Dù chưa có hiện tượng cho công nhân nghỉ việc hàng loạt như một số DN ở phía Nam nhưng người lao động buộc phải làm việc luân phiên, tính toán nghỉ Tết dài ngày hơn quy định để giảm áp lực thiếu việc là chuyện đã đến.
Khó tìm đơn hàng mới Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ tỉnh Bình Định trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt được 898 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 61% tổng giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh. Trong đó, nhóm mặt hàng sản phẩm gỗ nội - ngoại thất đạt 449,3 triệu USD, tăng gần 5%; nhóm hàng gỗ (dăm gỗ, viên nén) đạt 290,5 triệu USD, tăng 48%; và nhóm hàng nhựa đan đạt 158 triệu USD, giảm 16%. Giá trị nhập khẩu gỗ của tỉnh trong cùng kỳ đạt 50 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ 2021.
Càng về cuối năm, DN sản xuất gỗ càng không có đơn hàng. Ảnh: HẢI YẾN
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, cho biết: Kết quả này đạt được chủ yếu trong quý I và quý II năm 2022. Tình trạng sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng chưa từng có từ trước đến nay do hàng tiêu thụ chậm, tồn kho lớn tại các siêu thị, kho hàng tại Mỹ, EU, Anh..., trong khi các nhà máy ở tỉnh ta đã sản xuất trước theo đơn hàng, chỉ chờ xuất hàng nên gặp khó khăn trong khâu lưu kho, bảo quản một lượng hàng tồn rất lớn, bị chậm thanh toán, bị hủy đơn hàng... Một số nhà máy còn đơn hàng đến quý IV/2022, nhưng năm 2023 thì chưa DN nào có đơn hàng. Thậm chí có nhiều xưởng đã ngừng sản xuất từ tháng 6.2022. Đây có thể xem là giai đoạn khó khăn kỷ lục từ trước đến nay trong ngành gỗ. Do khan hiếm đơn hàng, nhiều DN sản xuất và chế biến gỗ xuất khẩu hoạt động cầm chừng. Nhiều nhà máy chấp nhận thua lỗ lớn bằng cách giảm giá, khuyến mãi để giữ được một phần đơn hàng, giữ việc làm cầm chừng cho công nhân, nhưng tình hình có lẽ sẽ không cầm cự được lâu. Theo đại diện một số DN chế biến gỗ tại Khu Công nghiệp Long Mỹ, gần đây, nhiều DN đã làm việc với các đối tác ở Mỹ, làm thêm hàng mẫu để tìm thêm khách hàng, giữ việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, đến giờ chưa DN nào có được đơn hàng mới, lượng hàng tồn trong kho vẫn còn rất nhiều. Có DN (đề nghị không nêu tên) đã ra thông báo sẽ cho toàn bộ lao động tạm nghỉ việc từ cuối tháng 12.2022 và không cho biết khi nào sẽ đi làm trở lại. Tương tự, đại diện một DN ở khu công nghiệp Nhơn Hòa cho hay, mọi năm, giáp tết là giai đoạn cao điểm tăng ca, mỗi tuần xuất khẩu 3 - 4 container hàng là bình thường nhưng nay phải mấy tháng trời mới đi được 1 - 2 container. Do khó khăn về đơn hàng, từ tháng 8.2022 đơn vị không tăng ca, tháng 10.2022 cho công nhân nghỉ ngày thứ Bảy và hiện tại công ty đang làm việc với công đoàn để đạt thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng. Hiện DN chỉ còn hơn 160 lao động có việc làm trong tổng số 400 lao động. Doanh nghiệp cần hỗ trợ từ nhiều phía Bất lợi từ thị trường xuất khẩu, hiện nhiều DN gặp rất nhiều khó khăn khác như: Khó tiếp cận được chính sách hỗ trợ BHXH; DN ngành gỗ chủ yếu vay USD cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nên khi tỷ giá USD tăng cao làm ảnh hưởng rất lớn hoạt động của DN; chi phí đầu vào tăng cao do giá nguyên liệu tăng vọt; một số quy định mới về PCCC khiến những DN quy mô vừa và nhỏ rất khó đáp ứng vì khả năng tài chính hạn chế; DN còn bị ngành điện phạt hợp đồng do không sử dụng đủ công suất và sản lượng điện đã cam kết theo từng tháng theo hợp đồng…
Các DN chế biến gỗ thêm khó khăn khi giá gỗ nguyên liệu tăng khá cao, ở mức 1,7 - 1,8 triệu đồng/tấn, tăng 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 12 này, Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định nhiều lần làm việc với các sở, ngành, ngân hàng tìm cách gỡ khó cho DN thành viên. Sở Công Thương đã tìm hiểu khó khăn của các DN và trực tiếp làm việc với các ngân hàng, ngành liên quan tìm hướng giải quyết. Nhờ đó, các ngân hàng thương mại tại tỉnh đảm bảo room tín dụng cho các DN có nhu cầu vay vốn sản xuất mới trên thị trường. Các thành viên Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định làm việc trực tiếp với ngân hàng để có phương án xử lý tốt; tất cả nội dung xử lý kiến nghị của ngân hàng thương mại phải được báo cáo cho Ngân hàng nhà nước về kết quả, tiến độ thực hiện. Theo ông Lê Minh Thiện, Hiệp hội đề nghị UBND tỉnh, Sở Công Thương kiến nghị một số vấn đề: Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT; chính sách giãn/ hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/ NĐ-CP của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho DN ngành gỗ và các ngành hỗ trợ ngành gỗ đảm bảo việc hoàn thuế giá trị gia tăng để giảm bớt áp lực về dòng tiền tại các DN. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực 3 xem xét hỗ trợ giải quyết linh động các điều khoản hợp đồng, không phạt hợp đồng đối với DN chưa sử dụng đủ công suất và sản lượng điện trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị BHXH Việt Nam và chỉ đạo BHXH tỉnh xem xét cho phép DN ngành gỗ được nợ tiền BHXH không tính lãi trong quý III và quý IV/2022 và có chính sách phù hợp với người lao động tại các DN ngành gỗ.