UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cho từng sở, ngành, địa phương
Thứ sáu - 02/12/2022 07:39
Sáng ngày 01/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, tình hình KT-XH của tỉnh năm 2022 có nhiều dấu hiệu khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kết quả thực hiện 19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH đều đạt và vượt so với kế hoạch. Trong đó: Tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) ước đạt 8,57% (chỉ tiêu HĐND tỉnh giao 6,0 - 6,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,05% so với cùng kỳ. Trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,55 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ; một số mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ như gỗ, hàng dệt may, hàng thủy sản... Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 16.551 tỷ đồng, vượt 35,6% dự toán năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 46.942 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ; trong đó: vốn khu vực Nhà nước tăng 15,7%, khu vực ngoài Nhà nước tăng 8,7% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,2% so với cùng kỳ...
Bên cạnh những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, tình hình văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều Chương trình nghệ thuật, lễ kỷ niệm, tuyên truyền các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh được tổ chức thành công; các hoạt động nghệ thuật, lễ hội dân gian truyền thống, thể dục thể thao quần chúng được tổ chức với nhiều nội dung đặc sắc, phong phú. Ngành giáo dục và đào tạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chủ yếu và các nhóm giải pháp cơ bản trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và và các dịch bệnh nguy hiểm ở người được tập trung triển khai quyết liệt; công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được quan tâm. Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện, lồng ghép các chương trình phát triển KT-XH và mang lại hiệu quả tích cực.
Trong năm 2022, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số của tỉnh và các đơn vị đã khẩn trương triển khai thực hiện; đã đưa vào hoạt động Cổng thông tin Chuyển đổi số tỉnh Bình Định (địa chỉ: chuyendoiso.binhdinh.gov.vn) và xuất bản và Bản tin Thông tin và Truyền thông chuyên đề "Chuyển đổi số"; xây dựng phần mềm thu thập số liệu phục vụ chỉ đạo điều hành KT-XH trên địa bàn tỉnh...
Cùng với đó, công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính; công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra; quốc phòng - an ninh cũng đạt nhiều kết quả tích cực.
Tại hội nghị, các địa phương trong tỉnh đã báo cáo kết quả KT- XH của địa phương, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị một số nội dung nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022 do HĐND tỉnh đã đề ra. Về các chỉ tiêu KT-XH năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, UBND tỉnh sẽ giao chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2023 cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cùng với các địa phương thống nhất, giao một số chỉ tiêu cho cấp xã; việc điều hành sẽ thông qua hệ thống báo cáo bằng các con số cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở khẩn trương xây dựng định hướng phát triển của ngành mình và định hướng này phải được cụ thể hóa đến từng địa phương trong tỉnh.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, đồng chí Phạm Anh Tuấn lưu ý một số nội dung: Tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư; nghiên cứu, đổi mới các hoạt động thu hút du lịch; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm do các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh sản xuất; tập trung giải ngân đầu tư công và nâng cao chất lượng đầu tư công; đảm bảo chi ngân sách theo đúng tiêu chuẩn, định mức do UBND tỉnh định hướng; chú trọng bố trí nguồn lực cho một số lĩnh vực quan trọng phục vụ cho phát triển KT-XH của địa phương; tích cực kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương xây dựng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, đăng ký về Văn phòng UBND tỉnh để tập hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, cần lưu ý xây dựng nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và định hướng của lãnh đạo UBND tỉnh, cũng như tập trung vào thế mạnh của địa phương mình để có định hướng triển khai thực hiện. Theo đó, Sở Nội vụ tập trung phối hợp với các ngành chuẩn hóa tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong Quý I/2023, tiến tới đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện. Nội dung đào tạo phải được số hóa theo hướng “cầm tay chỉ việc” để mỗi cán bộ, công chức nắm vững được chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần phục vụ tốt hơn cho yêu cầu chỉ đạo phát triển KT-XH tại địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường điều hành đột phá công tác môi trường. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tập trung chỉ đạo công tác thu hút đầu tư, quản lý doanh nghiệp và kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn. Sở Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số và kế hoạch truyền thông chính sách theo chỉ đạo mới của Trung ương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, công tác giảm nghèo. Sở Y tế chú trọng công tác khám, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống các loại dịch bệnh. Sở Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập; bổ sung nội dung dạy ngoại khóa. Sở Xây dựng tăng cường quản lý trật tự đô thị, chuẩn hóa phát triển đô thị hiện đại. Sở Du lịch đổi mới các sản phẩm du lịch và xây dựng phương án du lịch năm 2023. Sở Văn hóa và Thể thao tập trung tu bổ các di tích lịch sử văn hóa; duy trì, phát triển giá trị văn hóa và tạo điểm nhấn cho du lịch. Sở Công Thương quản lý cụm doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phòng, chống thiên tai. Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý các công trình giao thông cơ bản, chất lượng các công trình giao thông; tổ chức quy hoạch giao thông trong tình hình mới. Sở Tư pháp rà soát, phát hiện, tổng hợp các vướng mắc của luật, nghị định khi thực thi. Sở Khoa học và Công nghệ tập trung đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ cho sản xuất, tập trung cho nông nghiệp như truy xuất nguồn gốc vùng trồng, các công nghệ chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Văn phòng UBND tỉnh chuẩn bị tài liệu họp HĐND tỉnh, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ về chỉ tiêu, kế hoạch, các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và kết nối với các sở, ngành họp hàng tháng…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu các địa phương bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu được giao tại hội nghị và thực hiện đúng định hướng của UBND tỉnh đã triển khai. Cùng với đó, kịp thời tổng hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc của địa phương để UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết./.