Khu kinh tế Bình Định

Yếu tố ảnh hưởng đến GPMB thu hồi đất và một số giải pháp hoàn thiện công tác GPMB thu hồi đất

Thứ ba - 27/08/2024 08:04
Thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ để giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án công cộng, phát triển kinh tế xã hội là một khâu quan trọng, then chốt của quá trình phát triển. Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là điều kiện ban đầu và tiên quyết để triển khai thực hiện các dự án. Bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng cũng là một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp liên quan tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và cộng đồng dân cư, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Nhà nước, của Chủ đầu tư, đặc biệt với các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi.
 
Buổi họp dân công khai, lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư
Buổi họp dân công khai, lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư
Bên cạnh những công trình, dự án được thực hiện nhanh gọn theo đúng kế hoạch thì cũng có không ít dự án bị đình trệ, khiếu nại kéo dài liên quan đến công tác bồi thường, GPMB thu hồi đất. Nguyên nhân là do những vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chính sách, pháp luật đất đai có nhiều thay đổi; việc xác minh nguồn gốc sử dụng đất (SDĐ) gặp khó khăn do việc chỉnh lý biến động chưa được cập nhật thường xuyên; người dân không đồng thuận với đơn giá bồi thường, hỗ trợ; thiếu vốn thực hiện dự án; việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đất đai đôi khi còn chưa hiệu quả,….
 Qua thực tiễn, có thể xác định được 5 nhóm và 18 yếu tố sau ảnh hưởng đến công tác bồi thường, GPMB:
1. Nhóm yếu tố chính sách, pháp luật đất đai: Đất đai là đối tượng quản phức tạp, luôn biến động theo sự phát triển của nền kinh tê - xã hội. Để thực hiện tốt chức năng quản Nhà nước về đất đai đòi hỏi các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này phải ổn định và phù hợp với tình hình thực tế. Việc ban hành chính sách, pháp luật đất đai có ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, GPMB. Tuy nhiên, do tính chưa ổn định, chưa thống nhất của chính sách, pháp luật đất đai qua các thời kỳ (như quy hoạch, kế hoạch SDĐ; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, chính sách về bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất…) mà công tác bồi thường, GPMB đã gặp khá nhiều khó khăn. Những năm gần đây, chính sách, pháp luật đất đai luôn được sửa đổi, hoàn thiện nhằm giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB và dần phù hợp với yêu cầu thực tiễn triển khai.
2. Nhóm yếu tố tài chính: Nhóm yếu tố tài chính có vai trò quyết định đến tiến độ cũng như sự thành công của dự án bồi thường, GPMB. Trong nhóm yếu tố này thì nguồn vốn, giá đất bồi thường, hỗ trợ và giá bồi thường tài sản là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bồi thường, GPMB. Phương án bồi thường, GPMB chỉ được thực hiện khi có đủ nguồn vốn, ngược lại dự án sẽ bị treo hoặc chậm tiến độ. Yếu tố giá đất cũng ảnh hưởng lớn đến công tác bồi thường, GPMB. Thực tiễn cho thấy, giá đất luôn có xu hướng tăng vì bị hạn chế bởi số lượng, do đó thường xảy ra một nghịch lý: Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu về đất đai cao, cung không đáp ứng được cầu thì quá trình bồi thường, GPMB sẽ gặp khó khăn vì người dân luôn đòi hỏi về giá đất bồi thường, hỗ trợ cao. Khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, thị trường đất đai đóng băng thì việc  bồi thường, GPMB được thực hiện dễ dàng hơn.
3. Nhóm yếu tố thửa đất: Các yếu tố thuộc nhóm này bao gồm: vị trí, khả năng sinh lợi, diện tích, hình dạng, mục đích SDĐ và pháp  lý. Đất đai có đặc trưng cơ bản là cố định về vị trí, vì vậy thậm trí ngay trong một khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội giống nhau thì 2 thửa đất (kể cả liền kề) cũng có những đặc điểm riêng (hình dạng, diện tích, khả năng sinh lời) dẫn đến giá của chúng không đồng nhất, kéo theo nhu cầu bồi thường cũng khác nhau. Những thửa đất có vị trí thuận lợi, khả năng sinh lợi cao thì mức bồi thường sẽ cao, còn yếu tố pháp lý, diện tích và mục đích SDĐ là cơ sở để xác định đối tượng, điều kiện bồi thường, hỗ trợ.
4. Nhóm yếu tố liên quan đến người SDĐ: Vấn đề tiếp cận đất đai luôn đòi hỏi có sự nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực xã hội. Trên thực tế, chính các yếu tố tự nhiên (vị trí địa lý, khí hậu, đất đai...) có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thu nhập, trình độ dân trí, phong tục, tập quán của người dân. Thu hồi đất làm cho người dân phải di chuyển chỗ ở, thay đổi cách thức canh tác, phương thức sản xuất, thậm chí cả các vấn đề về tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng. Đa phần người dân luôn e ngại phải thay đổi, đặc biệt là những hộ buôn bán, kinh doanh. Do vậy, việc người dân hiểu biết rõ về pháp luật đất đai hạn chế được tình trạng khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện bồi thường, GPMB. Ngoài ra, những yếu tố khác như: thu nhập, trình độ dân trí... cũng có ảnh hưởng đến công tác bồi thường, GPMB.
 5. Nhóm yếu tố về tổ chức thực hiện: Bồi thường GPMB là một quá trình phức tạp vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh kế của người bị thu hồi đất. Nếu tổ chức và thực hiện không tốt sẽ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Do vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, GPMB thì việc xây dựng, triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai; khả năng xử công việc của cán bộ chuyên môn cần phải được thực hiện khoa học và hợp lý. Đây là những yếu tố có ảnh hưởng lớn và quyết định đến tiến độ bồi thường, GPMB; làm giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
Bảng: Tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
STT Nhóm yếu tố Chi tiết
1 Nhóm yếu tố chính sách, pháp luật đất đai 1. Quy hoạch, kế hoạch SDĐ
2. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
3. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ
4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đất đai
2 Nhóm yếu tố tài chính 5. Giá đất bồi thường
6. Giá bồi thường tài sản
7. Nguồn vốn
3 Nhóm yếu tố về thửa đất 8. Vị trí, khả năng sinh lợi
9. Diện tích
10. Mục đích SDĐ
11. Yếu tố pháp lý của thửa đất
4 Nhóm yếu tố liên quan đến người SDĐ 12. Thu nhập của người dân (10)
13. Trình độ dân trí
14. Hiểu biết pháp luật về đất đai
5 Nhóm yếu tố tổ chức thực hiện 15. Xây dựng phương án bồi thường, GPMB
16. Triển khai công tác bồi thường, GPMB
17. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai
18. Khả năng xử lý công việc của cán bộ chuyên môn

Một số giải pháp hoàn thiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
- Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai: Để các chính sách, pháp luật về đất đai phù hợp với thực tế cần hoàn thiện và sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan; quá trình hoàn thiện, sửa đổi phải đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Có chính sách hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho các hộ dân trước khi thu hồi đất. Chính sách hỗ trợ cần quan tâm đến đối tượng có đất bị thu hồi lớn, bị thu hồi hết diện tích đất, tránh trường hợp người dân không có việc làm sau khi bị thu hồi hết đất vì không có tay nghề, chuyên môn kĩ thuật để vào làm trong các doanh nghiệp. Có chính sách ưu tiên đối với các hộ chấp hành tốt việc bàn giao đất giải phóng mặt bằng, các hộ gia đình chính sách, các hộ gia đình đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nơi cư trú.
- Hoàn thiện công tác tài chính có liên quan: Có kế hoạch dài hạn với nguồn tài chính đảm bảo trong nhiều năm để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bố trí kịp thời nguồn vốn thực hiện dự án, đặc biệt là nguồn kinh phí để chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi để củng cố niềm tin của người dân đồng thời giảm bớt chi phí phát sinh. Việc bồi thường thiệt hại về tài sản cần tính theo mức thiệt hại thực tế, được xem xét bằng giá trị xây dựng mới. Cần thường xuyên xác định lại đơn giá bồi thường tài sản trên đất bị thu hồi sao phù hợp với giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất.
 - Đối với người sử dụng đất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách của Nhà nước về giải phóng mặt bằng. Nâng cao nhận thức của người dân về công tác giải phóng mặt bằng, cần tuyên truyền để người thấy được sự cần thiết phải thực hiện công tác thu hồi đất trong quá trình phát triển đất nước. Cần giải quyết các lợi ích chính đáng của người dân, nơi tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ đối với người có nhà ở hợp pháp, hợp lệ chấp hành việc thu hồi đất của nhà nước.
 - Hoàn thiện công tác tổ chức thực hiện việc thu hồi đất: Thực hiện đầy đủ quy trình thông báo thu hồi đất, lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công khai, minh bạch kết quả kiểm kê, phương án, cơ chế, chính sách, đơn giá áp dụng, chủ trương thu hồi đất, quyết định thu hồi đất theo quy định. Việc thực hiện công tác GPMB đối với từng công trình, dự án nên nghiên cứu trước và sàng lọc các vấn đề phức tạp đưa vào chương trình giải quyết trước để có cái nhìn khách quan và tháo gỡ nhanh các vấn đề khó khăn chứ không nên vì lợi ích của dự án mà làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cần có sự phối hợp giữa cán bộ làm công tác thu hồi với cán bộ địa phương và những người có uy tín trong cộng đồng, để từ đó tuyên truyền, vận động những người có đất thu hồi nhận thức đầy đủ sự cần thiết của việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tạo được sự đồng thuận trong việc thu hồi đất.
                                                                          

 

Tác giả bài viết: Đ.N.K (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập10
  • Tổng lượt truy cập5,180,587
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây