Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp
Thứ ba - 20/09/2022 05:45
Sáng ngày 15/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, một số doanh nghiệp.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Định có đồng chí Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan. Trong thời gian qua, trước tình hình quốc tế và kinh tế - xã hội trong nước có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Để hiện thực hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, chiến lược quan trọng quốc gia về cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, công tác cải cách TTHC đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2021 đến nay, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 09, bộ, cơ quan. Cả nước đã thành lập tổng số 11.700 Bộ phận Một của các cấp. Tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, cơ quan, địa phương là 6.522. Số thủ tục hành chính đưa ra thực hiện tại Bộ phận Một cửa các cấp đạt trung bình 96,9%. Đã có 53/63 địa phương hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương và đưa vào vận hành từ tháng 12 năm 2019, đến nay đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đã có hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đã có hơn 4,7 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Có hơn 2,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền gần 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021. Các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vận hành, phát triển góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước và phục vụ chỉ đạo, điều hành. Trong 8 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,5 triệu văn bản. Hội nghị tại điểm cầu Bình Định Giai đoạn 2022 - 2025, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức thực thi các phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 468 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc mới của Chính phủ. Đối với tỉnh Bình Định, từ năm 2020 đến nay, Tỉnh đã ban hành 17 Công văn chỉ đạo, 03 văn bản quy phạm pháp luật, 02 quyết định triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính. Về công khai, niêm yết thủ tục hành chính, tính đến ngày 14/9/2022, tổng số TTHC được công khai trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh là 2.114 TTHC. Trong đó, cấp tỉnh: 1.560 TTHC, cấp huyện: 383 TTHC, cấp xã: 171 TTHC. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết (từ 01-20 ngày) đối với 170 thủ tục hành chính của 18 sở, ngành thuộc tỉnh với số tiền tiết kiệm 4.519.309.607 đồng/năm. Những tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận 407.607 hồ sơ. Trong đó, đã giải quyết đúng và trước hạn 397.497 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99.7%), trễ hạn 1.121 hồ sơ; đang giải quyết trong hạn 8.966 hồ sơ, quá hạn 11 hồ sơ. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 1.328 TTHC (đạt tỷ lệ 62,8%)… Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã làm rõ kết quả đạt được trên từng lĩnh vực, đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện góp phần vào kết quả chung thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định và đánh giá cao những kết quả trong triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ xác định cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới tư duy, cách chỉ đạo điều hành mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách hành chính; phát huy tính chủ động sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho cải cách hành chính lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, lấy sự hài lòng của người dân đánh giá hiệu quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Hiện đại hóa công tác chỉ điều hành, bám sát thực tiễn, khó khăn, vướng mắc của người dân để chỉ đạo điều hành cho phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm khâu trung gian trong giải quyết các thủ tục hành chính nội bộ; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính nâng cao vai trò của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin, sử dụng dữ liệu thông tin chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hỗ trợ thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa ở vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu; thực hiện ký số, tích hợp chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương…