Bình Định thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh, xây khu công nghiệp xanh
Thứ sáu - 24/11/2023 06:04
Để phát triển theo định hướng khu công nghiệp (KCN) xanh, thời gian qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định có nhiều giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh theo hướng bền vững.
"Dán nhãn" các doanh nghiệp xanh Chuyển đổi xanh và sản xuất bền vững đang là xu hướng chung của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn Bình Định nói chung. Tại Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội và các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Định, rất nhiều các doanh nghiệp đang phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Trong đó, có thể kể đến những cái tên như: Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Nhà máy thức ăn gia súc Bình Định (tại KCN Nhơn Hòa); Chi nhánh Công ty TNHH De Heus tại Bình Định (KCN Nhơn Hòa); Chi nhánh Công ty TNHH Cargill Việt Nam tại Bình Định (KCN Long Mỹ); Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định (tại KKT Nhơn Hội); Công ty TNHH May mặc Able Việt Nam (KCN Phú Tài).
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp việc cấp bách vì mốc thời gian năm 2027 được quy định trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon đang đến rất gần.
"Đối với ngành gỗ - ngành thế mạnh của Bình Định, hai thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ thời gian tới sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Nếu hàm lượng carbon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ carbon. Bởi vậy, chuyển đổi xanh là tất yếu đối với doanh nghiệp trong ngành", ông Lập nói. Đối với VIFOREST, Hiệp hội đang thúc đẩy để hỗ trợ các doanh nghiệp nhận được sự tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ về kinh phí để chuyển đổi xanh với nhiều việc làm cụ thể như: Tổ chức hội thảo hỗ trợ tư vấn chuyên sâu giảm phát thải cho một số doanh nghiệp lớn, vận động các tổ chức quốc tế về môi trường hỗ trợ tư vấn, tìm nguồn tài trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh…
Còn theo ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định, định kỳ 2 năm/lần, Ban quản lý sẽ tổ chức chương trình Lễ trao tặng "Doanh nghiệp xanh", đặc biệt lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 5/6 - Ngày môi trường thế giới. "Đây là một trong những hoạt động trọng tâm để thúc đẩy, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường (BVMT); đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp phấn đấu, nỗ lực thực hiện tốt các quy định của pháp luật về BVMT", ông Sơn nói.
Theo đó, 3 tiêu chí để doanh nghiệp đạt "Doanh nghiệp xanh" gồm: Tuân thủ pháp lý về hồ sơ môi trường; tuân thủ các quy chuẩn tiêu chuẩn môi trường hiện hành; tuân thủ về thực hiện công tác BVMT theo quy định của pháp luật.
Kết quả đánh giá phân loại doanh nghiệp thành 4 hạng. Hạng 1, xếp loại màu xanh lá cây - là những doanh nghiệp thực hiện xuất sắc công tác bảo vệ môi trường BVMT được trao giấy chứng nhận và tặng biểu trưng. Hạng 2, xếp loại màu xanh dương - những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác BVMT được trao giấy chứng nhận.
Hạng 3 - những doanh nghiệp thực hiện đạt yêu cầu về BVMT. Hạng 4 - những doanh nghiệp thực hiện không đạt yêu cầu về BVMT; đối với các doanh nghiệp ở hạng này sẽ được Ban Quản lý KKT đưa vào kế hoạch kiểm tra trong năm tiếp theo để chấn chỉnh và khắc phục.
Ưu tiên thu hút dự án có công nghệ mới và "xanh" Theo Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định, hiện, với phương châm phát triển các KCN của tỉnh Bình Định theo hướng xanh, Ban Quản lý luôn đặt yêu cầu về bảo vệ môi trường là điều kiện ràng buộc trong việc thu hút các dự án đầu tư vào KKT Nhơn Hội và các KCN trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, các dự án được thu hút mới đều quy định phải sử dụng công nghệ sản xuất mới, thân thiện với môi trường nhằm phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát các tác động ô nhiễm môi trường từ các dự án ngay từ đầu. Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định luôn đặt yêu cầu về bảo vệ môi trường là điều kiện ràng buộc trong thu hút các dự án đầu tư vào KKT Nhơn Hội và các KCN trên địa bàn. Ảnh: N.B
Ngoài ra, Ban Quản lý còn chú trọng triển khai xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thoát nước và xử lý nước thải,… nhằm đáp ứng và nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong KKT Nhơn Hội và các KCN; thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đang hoạt động.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định, phê duyệt/trình phê duyệt các hồ sơ quy hoạch xây dựng, thiết kế cơ sở, giấy phép môi trường,… của các dự án đầu tư cũng được cải thiện theo hướng xem xét bố trí hợp lý, hiệu quả các nhà xưởng, các dây chuyền sản xuất, khu tập kết, xử lý chất thải… đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn môi trường hiện hành.
Ban Quản lý cũng đồng hành và tạo điều kiện hỗ trợ cho các nhà đầu tư thứ cấp trong KKT Nhơn Hội và các KCN trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi nhiên liệu đốt (sử dụng nhiên liệu sinh khối thay cho nhiên liệu hóa thạch); đầu tư, cải tiến, nâng cấp máy móc thiết bị sản xuất hiện đại để giảm thiểu tỷ lệ phát sinh chất thải… Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác BVMT cũng được siết chặt; kiên quyết đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp chỉ tập trung phát triển kinh tế vì lợi nhuận của doanh nghiệp mà thực hiện không đúng các yêu cầu về BVMT. "Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN hiện hữu của tỉnh là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất có mức độ hiện đại hóa không cao và việc doanh nghiệp chủ động bố trí nguồn vốn để tái đầu tư, nâng cấp thiết bị máy móc còn rất nhiều khó khăn, hạn chế", ông Sơn nhìn nhận.
Thời gian tới, ông Sơn cho hay, đối với các doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư vào KKT Nhơn Hội và các KCN trên địa bàn tỉnh, bên cạnh các tiêu chí trong quá trình thu hút đầu tư, Ban quản lý KKT còn yêu cầu phải thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về BVMT, đầu tư xây dựng đồng bộ công trình thu gom, xử lý chất thải của dự án theo đúng quy định trước khi triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, Ban Quản lý KKT yêu cầu phải thực hiện vận hành thường xuyên, liên tục, đúng quy trình kỹ thuật các công trình thu gom, xử lý chất thải đã đầu tư để đảm bảo vệ sinh môi trường; thực hiện chương trình quan trắc môi trường; quản lý và chuyển giao chất thải cho các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo đúng quy định; động viên, khuyến nghị các doanh nghiệp đủ điều kiện từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất kinh doanh.
Nhằm đánh giá thực trạng, nhận diện tiềm năng - cơ hội, kết nối đầu tư vào Khu công nghiệp, Khu kinh tế trong bối cảnh mới và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững các Khu công nghiệp - Khu kinh tế tại Việt Nam, được sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023, với chủ đề: "Hướng tới tăng trưởng xanh". Thời gian: Thứ Năm, ngày 16/11/2023 tại TP.HCM.