Sáng 11/11, tại Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh về về kết quả thực hiện công tác 10 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Tham dự buổi làm việc còn có Lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Ông Đặng Vĩnh Sơn - Trưởng Ban Quản lý KKT đã báo cáo kết quả hoạt động của KKT Nhơn Hội, các KCN trên địa bàn tỉnh và nhiệm vụ năm 2023, theo đó Khu kinh tế Nhơn Hội có diện tích 14.308 ha, bao gồm 8 phân khu. Tổng số dự án đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế đến nay có 122 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 128.730 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 32.613 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng hơn 25,3%), trong đó, 15 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 616,8 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh có 7 Khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 3 Khu công nghiệp trong Khu kinh tế và 4 dự án ngoài Khu kinh tế; Các khu công nghiệp thu hút 280 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 16.195 tỷ đồng trong đó có 25 dự án FDI, vốn đầu tư đã thực hiện 10.656 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 66%). Đến nay, có 192 doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu kinh tế và các khu công nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 21.000 người. Trong 10 tháng qua, tổng doanh thu tại Khu kinh tế và các khu công nghiệp đạt 37.729 tỷ đồng, tăng 23%, kim ngạch xuất khẩu đạt 436 triệu USD, tăng 30%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 24.164 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021 và nộp ngân sách đạt 714 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tập thể BQL KKT cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư như: phối hợp các ngành, kịp thời thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đối với DN; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng các yêu cầu triển khai của các dự án trên địa bàn KCN và KKT Nhơn Hội. Tăng cường theo dõi tiến độ đầu tư các dự án trong KKT, KCN; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, môi trường, đất đai trong KKT, KCN. Công tác GPMB được tập trung chỉ đạo, có nhiều tiến bộ, bước đầu đạt được hiệu quả. Một số chỉ tiêu chủ yếu cơ bản hoàn thành theo kế hoạch.
Cũng tại buổi làm việc, Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân, tồn tại hạn chế và đưa ra phương hướng, kế hoạch phát triển sản xuất, thu hút đầu tư trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Đồng thời đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh một số nội dung như: Đề nghị UBND tỉnh thành lập Tổ công tác rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn tỉnh để có hướng chỉ đạo việc thu hồi chủ trương đầu tư các dự án chậm tiến độ, chậm đưa dự án đi vào hoạt động; Kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với BQL KKT trong công tác thanh tra, xử phạt trường hợp vi phạm về các quy định trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư theo đề nghị của BQL KKT; Kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với các Bộ ngành phân cấp để BQL KKT thực hiện nhiệm vụ thẩm định nghiên cứu khả thi đối với các dự án nhóm A tại KKT, các KCN; Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã phối hợp hỗ trợ hiệu quả BQL KKT trong công tác giải phóng mặt bằng, chống lấn chiếm đất đai và xây dựng trái phép…; Xem xét cho chủ trương việc ủy quyền cho BQL KKT giải quyết TTHC về môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: UBND tỉnh đang điều hành thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX của tỉnh giai đoạn 2020-2025. Để đạt được mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn nói trên, không còn cách nào khác là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, trong đó BQL KKT tỉnh phải nỗ lực gấp 2 lần so với hiện nay. Trước mắt, BQL cần phải đổi mới cách làm, chủ động hơn, trách nhiệm hơn trong công tác quản lý KKT, KCN và thu hút đầu tư. Tập trung xây dựng kế hoạch thu hút nhà đầu tư chi tiết hơn để lấp đầy KKT, KCN trên địa bàn tỉnh, trong đó lưu ý đến các ngành nghề cần thu hút đầu tư, định hướng đầu tư cho từng khu. Việc xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư phải gắn chỉ số phát triển KT - XH trong 3 năm tới và định hướng 10 năm tiếp theo của tỉnh. Năm 2023, BQL KKT tỉnh phải tạo dư địa cho các năm tiếp theo và xác định được trong kế hoạch thu ngân sách của tỉnh đến năm 2025, BQL KKT tỉnh đóng góp bao nhiêu?
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất cách thức tổ chức đầu tư mới theo tinh thần chủ động, gỡ khó, tham gia cùng với các Khu công nghiệp. Trong đó, lưu ý quản lý chặt và tốt môi trường để đảm bảo không phá hủy môi trường; bên cạnh đó, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt thường xuyên gặp gỡ các doanh nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện để hoạt động.
Đối với công tác chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý đến việc kết nối quản lý doanh nghiệp với BQL KKT tỉnh. Về vấn đề này, BQL KKT tỉnh cần có sự phối hợp thống nhất giữa các Sở KH&ĐT, Cục Thống kê tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Công thương để có cơ sở dữ liệu quản lý đồng bộ thống nhất nhằm kịp thời quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
Tác giả bài viết: Nhật Dũng, VP Ban
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn