Khu kinh tế Bình Định

Bảo vệ rạn San hô gắn với phát triển du lịch biển trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội

Thứ tư - 16/06/2021 08:32
Theo kết quả khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học tại Vịnh Quy Nhơn của Viện Hải dương học Nha Trang, vùng biển xã Nhơn Lý và xã Nhơn Hải được đánh giá là một trong những nơi có nhiều cảnh quan biển, đảo đa dạng, đặc biệt phải kể đến là rạn san hô phong phú, hoang sơ, tập trung chủ yếu tại các khu vực như: ven bờ khu vực Eo Gió kéo dài đến mũi Còng Cọc và Bãi Dứa, xung quanh Hòn Sẹo (thuộc xã Nhơn Lý); khu vực Mũi Đìa, Hòn Khô Nhỏ, Tây Hòn Khô Lớn, Bắc Hòn Khô lớn, Bờ Đập và Tây Nam Mũi Yến (thuộc xã Nhơn Hải). 
San hô tại Bãi Dứa, Nhơn Lý
San hô tại Bãi Dứa, Nhơn Lý
Đây là một trong những điểm thu hút nhiều khách du lịch tham quan, giải trí, đặc biệt là hoạt động lặn ngắm san hô, góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh nhà, mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho địa phương. Tuy nhiên, song song với những hoạt động rất hiệu quả và tích cực đó, trong thời gian qua ngoài các tác động bất lợi từ thiên nhiên, thì một số hoạt động du lịch tự phát không được kiểm soát, kết hợp với ý thức của người dân về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học chưa được nâng cao, đã dẫn đến tình trạng xả chất thải ra môi trường biển, du khách đi lặn ngắm san hô bẻ phá, giẫm đạp lên rạn san hô làm đứt, gãy,... đã làm cho rạn san hô bị suy giảm chất lượng đáng kể, nhất là tại khu vực Nhơn Lý trên lộ trình đi từ Eo Gió sang Kỳ Co bằng ca nô.
Nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các rạn san hô hiện có trên địa bàn KKT Nhơn Hội, phát huy giá trị du lịch địa phương gắn với phát triển bền vững, đối với các dự án giáp biển trên địa bàn KKT Nhơn Hội, ngay từ bước đầu triển khai dự án, BQL KKT đều yêu cầu các Nhà đầu tư thực hiện cắm mốc giới theo quy hoạch được duyệt; riêng khu vực mặt nước biển chỉ thực hiện cắm phao tiêu, biển báo để đảm bảo quyền lợi chung của cộng đồng và không làm ảnh hưởng đến rạn san hô tại khu vực (nếu có); phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án khai thác, sử dụng diện tích mặt nước đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; đồng thời yêu cầu Nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về hồ sơ môi trường, đầu tư các công trình bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm việc thu gom, xử lý các thành phần chất thải phát sinh từ hoạt động của dự án, tuyệt đối không xả thải ra môi trường biển.
Được sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Hiệp Hội Thủy sản Bình Định đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai thực hiện dự án “Nâng cao năng lực của các tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ rạn san hô tại vùng biển ven bờ thuộc Vịnh Quy Nhơn (gọi tắt là dự án Vịnh Quy Nhơn)”. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 7/2019 tại 4 xã, phường ven Vịnh Quy Nhơn (gồm: xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng), nhằm mục tiêu nâng cao năng lực của các tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ rạn san hô tại vùng biển ven bờ thuộc vịnh Quy Nhơn để phát triển nguồn lợi thủy sản và du lịch sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn KKT Nhơn Hội, BQL KKT - thành viên Ban Điều hành dự án đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản và các bên liên quan xác định ranh giới, thả phao tiêu, khoanh vùng khu vực rạn san hô cần bảo vệ, đảm bảo không chồng lấn với các dự án trên địa bàn KKT Nhơn Hội. 
Đến nay, đối với khu vực vùng biển ven bờ trên địa bàn KKT Nhơn Hội, đã có 2 Tổ chức cộng đồng được UBND thành phố Quy Nhơn công nhận và giao quyền bảo vệ khu vực biển tại Bãi Dứa, xã Nhơn Lý, diện tích 8,02 ha và khu vực biển phía Tây hòn Khô Nhỏ, xã Nhơn Hải, diện tích 12,043 ha để bảo vệ rạn san hô hiện có. Kết quả này là tiền đề góp phần thúc đẩy sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên biển để phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, về lâu dài để duy trì, đảm bảo phát triển du lịch bền vững trên địa bàn KKT Nhơn Hội nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần thiết phải tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục duy trì hoạt động của tổ chức cộng đồng quản lý, bảo vệ rạn san hô đã được thành lập; Thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương, du khách giữ gìn vệ sinh môi trường, không có các hành vi đánh bắt bất hợp pháp, đánh bắt hủy diệt các loại thủy sản trong vùng; Tăng cường tổ chức các chiến dịch ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác dọc bãi biển trên địa bàn, nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần,…
Với những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua và triển khai có hiệu quả các giải pháp nêu trên, hy vọng rằng trong thời gian tới, chúng ta sẽ bảo vệ và khai thác có hiệu quả các rạn san hô gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh nói chung và KKT Nhơn Hội nói riêng./.          
 

Nguồn tin: Nguyễn Thanh Nguyên, trích từ Bản tin số 3.2021

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập9
  • Tổng lượt truy cập5,204,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây