Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
Trước đây, khi khách hàng có nhu cầu tìm kiếm một địa điểm với biển xanh, cát trắng, nắng vàng cũng như nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử để du lịch thì Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) hay Phan Thiết (Bình Thuận) là những cái tên đầu tiên trong danh sách. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Quy Nhơn - Bình Định nổi lên như một điểm đến hấp dẫn về du lịch ở khu vực miền Trung. Đồng thời,"xứ Nẫu" cũng là một điểm sáng mới nổi trong thu hút đầu tư.
Trong phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhiều lần khẳng định: "Không đánh đổi phát triển kinh tế mà ảnh hưởng tới môi trường. Bình Định xác định 3 lĩnh vực phát triển kinh tế trọng yếu là công nghiệp, nông nghiệp và du lịch".
Trong lĩnh vực BĐS nhà ở và du lịch, Bình Định chủ trương thu hút đầu tư dự án đô thị, du lịch sinh thái ven biển gắn liền với bảo tồn và thân thiện môi trường; hình thành những khu đô thị, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, đặc thù, có sức hút du khách trong và ngoài nước. Đến nay, nhiều dự án có cảnh quan đẹp, vị trí đắc địa đang được đầu tư, khai thác hiệu quả, tạo được sức hút trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng sạch điện gió, điện mặt trời ở các khu vực ven biển cũng được triển khai tương đối hiệu quả, góp phần đảm bảo nguồn năng lượng cho tương lai. Với xu thế đầu tư các khu đô thị hướng biển, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn triển khai các dự án quy mô lớn, tạo nên bộ mặt đô thị hiện đại, năng động, nhiều tiện ích.
Trong lĩnh vực BĐS công nghiệp, việc thu hút đầu tư cũng được thực hiện có chọn lọc, ưu tiên những ngành nghề sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính... hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển các khu công nghiệp xanh.
Với những tiềm năng, lợi thế trên, thời gian qua, Bình Định đón làn sóng đầu tư của loạt ông lớn trong lĩnh vực BĐS như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Danh Khôi, Tập đoàn VinaCapital, Công ty Cổ phần Tập đoàn TMS, Tổng Công ty Becamex IDC… Đây là những cánh chim đầu đàn, lan tỏa và góp phần định hướng, hình thành thương hiệu của thị trường BĐS Bình Định.
"Phát triển muộn hơn, Bình Định có thể kế thừa, rút kinh nghiệm từ quá trình phát triển của các địa phương khác, từ đó, xây dựng những chính sách, hướng đi phù hợp trong việc phát triển các dự án BĐS xanh", ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh Bình Định chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Phin, Giám đốc kinh doanh CTCP Phát triển Đô thị thông minh Việt Nam (thành viên Tổng Công ty Đất Xanh Miền Trung) cho hay, Bình Định đang được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, kết nối trên cả đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không.
Hàng loạt tuyến giao thông như: tuyến Quốc lộ 19 nối các tỉnh Tây Nguyên và Cảng Quy Nhơn; các tuyến cao tốc trọng điểm như: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bình Định - Nha Trang… được xây dựng và nâng cấp; Cảng biển QuyNhơn, sân bay Phù Cát cũng được đầu tư mở rộng. Đây đều là nền tảng để đưa vùng đất này phát triển.
Theo ông Phin, Bình Định còn có dư địa dồi dào, quỹ đất sạch, được quy hoạch tốt, đồng bộ, thông minh. Đi cùng với chính sách cởi mở, địa phương này thu hút nhiều doanh nghiệp BĐS, du lịch nghỉ dưỡng có năng lực đến khai thác các dự án tầm cỡ.
"Công trình xanh là xu thế tất yếu trên thế giới, khi môi trường sống của con người đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tài nguyên đang ngày dần cạn kiệt. Thời gian qua, Bình Định đã tận dụng và phát huy tối đa tiềm lực của tỉnh trên nhiều phương diện: cơ sở hạ tầng, chính sách, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực... để thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư phát triển theo hướng xanh", ông Phin nói thêm.
Ưu tiên mời gọi nhà đầu tư xanh
Để duy trì, khẳng định vị thế trung tâm đầu tư của khu miền Trung, theo ông Nguyễn Hữu Phin, Bình Định cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua hoàn thiện cơ hạ tầng và xây dựng các chính sách kích cầu phù hợp.
Sắp tới đây, doanh nghiệp này sẽ cùng góp sức vào sự phát triển của Bình Định; kiến tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị, khai thác hiệu quả quỹ đất, kết nối hạ tầng kỹ thuật.
"Tuy nhiên, việc xây dựng một công trình xanh yêu cầu chi phí đầu tư lớn, quy trình và thủ tục thiết kế thẩm định, phê duyệt, thi công khá phức tạp cũng như tốn rất nhiều thời gian. Do vậy, để phát triển sản phẩm BĐS xanh đòi hỏi chủ đầu tư phải có tâm, có tầm, đủ tiềm lực và tầm nhìn", ông Phin nhận định.
“...để phát triển sản phẩm bất động sản xanh đòi hỏi chủ đầu tư phải có tâm, có tầm, đủ tiềm lực và tầm nhìn”
Ông Nguyễn Hữu Phin, Giám đốc kinh doanh CTCP Phát triển Đô thị thông minh Việt Nam
Đối với Tổng Công ty Đất Xanh Miền Trung, mỗi công trình đơn vị này xây dựng không chỉ dừng lại ở những mảng xanh được bao phủ bởi cây cối, mà còn hướng tới giá trị sống bền vững, lợi ích về cả về thể chất lẫn cảm xúc, tinh thần của con người. Các công trình của doanh nghiệp này đều đảm bảo các yếu tố xây dựng khắt khe nhất.
"Mỗi sản phẩm của chúng tôi ở các địa phương như: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… đều đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của một BĐS xanh; được các cư dân, nhà đầu tư trong nước và quốc tế yêu mến", ông Phin chia sẻ.
Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Phát triển Kinh doanh của GreenViet nhìn nhận, thời gian tới, Bình Định cần vinh danh những chủ đầu tư, dự án đã và đang thực hiện theo hướng xanh.
"Để khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án xanh, chính quyền địa phương nên có chính sách ưu tiên, rút ngắn các thủ tục hành chính. Đồng thời, đưa yêu cầu "xanh" vào giấy phép đầu tư của các dự án trọng điểm, tiềm năng nhằm ràng buộc chủ đầu tư", ông Quang nói.
Theo ông Đặng Vĩnh Sơn, thời gian qua, BQL KKT đã, đang áp dụng các chính sách như: Ưu tiên các dự án xanh, thân thiện với môi trường; khuyến khích nhà đầu tư áp dụng các bộ tiêu chuẩn xanh như Leed (Hoa Kỳ), Edge (IFC,WB), Lotus (VGBC) hay Green Mark (Singapore)...
Ngoài ra, địa phương cũng hạn chế các dự án đô thị, du lịch làm thay đổi căn bản địa hình tự nhiên, phá vỡ cân bằng sinh thái (phá rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, san lấp vùng đất ngập nước, cản trở dòng chảy). Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng vật liệu thân thiện, ít gây ảnh hưởng môi trường (gạch không nung, vật liệu tái chế) trong xây dựng, tăng diện tích mảng xanh - mặt nước, sử dụng nguồn năng lượng sạch.
Ông Sơn cũng cho rằng, hiện, hệ thống hành lang pháp lý chưa quy định rõ ràng nhằm thúc đẩy, khuyến khích và bắt buộc các chủ thể có liên quan (chủ đầu tư, tư vấn) tuân theo xu hướng thiết kế, xây dựng công trình xanh phát triển bền vững.
"Do vậy, thời gian tới, cần rà soát nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được ban hành để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với xu hướng hiện nay. Về phần địa phương, chúng tôi cũng khuyến khích các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, cam kết tạo điều kiện tối đa trong việc thực hiện các thủ tục về đầu tư (quyhoạch, xây dựng, môi trường) để nhà đầu tư có thể triển khai ngay dự án", ông Sơn cho hay.
Nguồn tin: Theo Nguyễn Tri, nhadautu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn