Bình Định 'nói không' với các dự án nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường
Thứ ba - 28/02/2023 06:18
Để đảm bảo môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN), Ban quản lý KKT tỉnh Bình Định luôn đặt yêu cầu về bảo vệ môi trường là điều kiện ràng buộc trong việc thu hút các dự án đầu tư. Đặc biệt, tỉnh này mạnh dạn từ chối các dự án tiềm ẩn nguy cơ đối với môi trường.
KCN đưa vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải Trên địa bàn tỉnh Bình Định, hiện có 8 KCN (không bao gồm các KCN trong KKT Nhơn Hội) và KKT Nhơn Hội. Trong đó, KKT Nhơn Hội và các KCN Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa đã đi vào hoạt động; KCN Hòa Hội đang xây dựng cơ sở hạ tầng; các KCN Bình Nghi, Cát Trinh, Long Mỹ giai đoạn 2; Bồng Sơn đang triển khai các thủ tục pháp lý liên quan, chưa xây dựng hạ tầng. Theo Ban quản lý KKT tỉnh Bình Định, hiện, tỷ lệ lấp đầy tại KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ đạt 100%; KCN Nhơn Hòa đạt 82,4%; KCN Hòa Hội đạt 8,6%; KCN Nhơn Hội (Khu A) trong KKT Nhơn Hội đạt 56,7%; KCN Nhơn Hội (Khu B) trong KKT Nhơn Hội đạt 8,7% và KCN Becamex VSIP Bình Định trong KKT Nhơn Hội là 1,8%. Đến thời điểm hiện tại, tại KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ, công suất xử lý nước thải cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay là 2.000 m3/ngày đêm, trong khi tổng lượng nước thải phát sinh thực tế khoảng 700 m3/ngày đêm. Tại KCN Nhơn Hòa, công suất xử lý hiện nay là 1.000 m3/ngày đêm, tổng lượng nước thải phát sinh thực tế khoảng 100 m3/ngày đêm. Nhằm đáp ứng việc xử lý nước thải cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đăng ký thuê đất tại giai đoạn 2 của KCN này, chủ đầu tư đã đầu tư bổ sung 1 module với công suất xử lý 2.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, tại KCN Nhơn Hội (Khu A), KCN Nhơn Hội (Khu B) và các dự án lân cận, hiện công suất xử lý là 2.000 m3/ngày đêm, tổng lượng nước thải phát sinh thực tế khoảng 800 m3/ngày đêm. Tại KCN Becamex VSIP Bình Định, mặc dù các doanh nghiệp thứ cấp đang xây dựng nhà máy, chưa hoạt động nhưng chủ đầu tư KCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công suất 4.000 m3/ngày. Đây là sự chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng về môi trường để các đón các nhà đầu tư thứ cấp. Dự kiến tháng 5/2023, hệ thống này sẽ được đưa vào vận hành thử nghiệm. "Hiện, các KCN đã đưa vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải được vận hành thường xuyên, ổn định, hiệu quả. Chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường, phù hợp với giấy phép xả nước thải, giấy phép môi trường đã được cấp, đáp ứng việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định chia sẻ. Ưu tiên dự án có công nghệ mới, thân thiện môi trường Cũng theo Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định, vấn đề khó khăn nhất hiện nay trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải ở các KKT, KCN là xác định quy mô đầu tư và vốn/chi phí đầu tư. Theo đó, hệ thống xử lý nước thải ở các KKT, KCN được xác định ngay từ ban đầu khi lập quy hoạch, phụ thuộc vào định hướng đầu tư, ngành nghề dự kiến thu hút và tỷ lệ cấp nước đầu vào nên quy mô và công suất đầu tư thường khá lớn, kéo theo chi phí đầu tư cao. Ban quản lý KKT tế tỉnh Bình Định luôn đặt yêu cầu về bảo vệ môi trường là điều kiện ràng buộc trong việc thu hút các dự án đầu tư. Ảnh: L.T "Nếu đầu tư hoàn thiện ngay từ đầu theo thiết kế, có thể sẽ dẫn đến những bất cập trong giai đoạn đầu. Vì giai đoạn này chưa có nhiều nhà đầu tư, lượng nước thải thu gom ít sẽ không đủ điều kiện để vận hành. Bên cạnh đó, nếu để máy móc, thiết bị ngoài trời, không được vận hành thường xuyên sẽ rất nhanh hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí và không hiệu quả về kinh tế", ông Sơn nhận định. Do đó, khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung trong KKT, KCN, ông Sơn cho rằng, cần phải có sự đánh giá, xem xét, cân nhắc nhiều yếu tố về tính đặc thù của các phân khu chức năng. Cùng với đó, cần kết hợp thăm dò tình hình đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất của các nhóm ngành công nghiệp dự kiến thu hút đầu tư vào KKT, KCN để thực hiện phân kỳ đầu tư với quy mô công suất, lộ trình/tiến độ đầu tư hợp lý, hiệu quả về mặt kinh tế gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, tránh lãng phí. "Như ngành gỗ hiện không còn sử dụng công nghệ luộc gỗ mà sử dụng công nghệ sấy hơi nước nên phát sinh nước thải thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Ngành chế biến đá granite không xả nước thải mà tuần hoàn tái sử dụng để tiết kiệm nguồn nước. Các dự án du lịch có xu hướng xử lý cục bộ đạt chuẩn để tái sử dụng phục vụ tưới cây xanh, không còn nhu cầu đấu nối về hệ thống xử lý nước thải tập trung…", ông Sơn nêu ví dụ. Để đảm bảo môi trường tại các KKT, KCN, Ban quản lý KKT tế tỉnh Bình Định luôn đặt yêu cầu về bảo vệ môi trường là điều kiện ràng buộc trong việc thu hút các dự án đầu tư vào KKT, KCN. Các dự án được thu hút đều quy định phải sử dụng công nghệ sản xuất mới, thân thiện với môi trường và phải được xem xét đánh giá, thẩm định sơ bộ về mặt tác động môi trường ngay trong quá trình lập thủ tục đầu tư, phê duyệt quy hoạch nhằm phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát các tác động ô nhiễm môi trường ngay từ đầu. Đặc biệt, mặc dù công tác thu hút đầu tư của khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng còn rất khó nhưng Ban Quản lý KKT sẽ mạnh dạn từ chối các dự án có tiềm ẩn ảnh hưởng lớn đến môi trường. Bên cạnh đó, Ban Quản lý KKT còn cải thiện, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt/trình phê duyệt các hồ sơ quy hoạch xây dựng, thiết kế cơ sở, giấy phép môi trường… của các dự án đầu tư theo hướng xem xét bố trí hợp lý, hiệu quả các nhà xưởng, các dây chuyền sản xuất, khu xử tập kết, xử lý chất thải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn môi trường hiện hành. Riêng đối với các dự án du lịch ven biển, Ban Quản lý KKT sẽ yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường hiện hành, sau đó tuần hoàn tái sử dụng 100% vào mục đích tưới cây, rửa đường, không xả ra môi trường biển ven bờ để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường biển theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đối với các dự án hiện hữu tại KKT, KCN, Ban Quản lý KKT sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường. "Đồng thời, kịp thời hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật về công tác thu gom, lưu trữ, xử lý chất thải trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; kiên quyết đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp chỉ tập trung phát triển kinh tế vì lợi nhuận của doanh nghiệp mà thực hiện không đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường", ông Sơn nói.