Khu kinh tế Bình Định

UBND tỉnh họp bàn giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính

Thứ hai - 29/05/2023 08:01
Chiều 24/5, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh bàn giải pháp nâng cao các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính của tỉnh, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.
 
Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2022, tổng điểm PCI của tỉnh đạt 66,65 điểm, giảm 10 bậc so với năm 2021. Chỉ số PAPI đạt 41,67 điểm, giảm 0,26 điểm và 1 bậc so với năm 2021, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số SIPAS xếp vị trí 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2022; Chỉ số PAR INDEX đạt 85,03/100 điểm, xếp vị trí 33/63 tỉnh, thành phố và xếp vị trí 9/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ.

Về thủ tục hành chính, đạt 87,1%, đứng vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành, cao hơn giá trị trung vị 81,43 %; về cơ quan chính quyền tiếp cận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân đạt 77,71%, đứng vị trí thứ 35/63 tỉnh, thành; thấp hơn giá trị trung vị 78,23%...Trong 10 chỉ số thành phần, có 4 chỉ số tăng điểm so với năm 2021, gồm: Gia nhập thị trường;Tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. 6 chỉ số giảm điểm là: Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Đào tạo lao động; Chi phí không chính thức;Tính năng động của chính quyền tỉnh; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. 
UBND tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI năm 2023, với mục đích cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh một cách bền vững; tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PCI; góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, năng động và thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ những vướng mắc hiện nay trong thực hiện chương trình cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Đó là hiện tiến độ xử lý văn bản để tháo gỡ những khó khăn của người dân, doanh nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu. 

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, thực chất công tác cải cách hành chính tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; xem đây là một tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trong năm. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu thời gian tới cần có những giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cũng như cần có kế hoạch cụ thể triển khai hiệu quả các chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS… cho toàn tỉnh; trên cơ sở đó chi tiết nhiệm vụ đối với từng Sở, ngành.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bản chất các chỉ số này là đánh giá hiệu quả hoạt động điều hành quản lý các cấp của chính quyền từ tỉnh, huyện, xã và chính là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, và cuối cùng chính là kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh xã hội, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch Đầu tư chậm nhất trong tuần này trình một bản kế hoạch chung để cải thiện tất cả các chỉ số của tỉnh bằng hành động cụ thể và thực chất, trong kế hoạch này đều có chỉ số cụ thể: Từng vị trí xếp hạng bao nhiêu; từng chỉ số cải tiến bao nhiêu; mỗi một sở ngành và các địa phương phân tích ra bản riêng, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, các địa phương bao lâu cơ quan chức năng trả lời. Cùng với đó, nghiêm cấm tình trạng “ôm” tài liệu, “ôm” đề xuất của doanh nghiệp và người dân; thay vào đó cần phải làm đồng lòng, đồng lọt với 11 địa phương và 159 xã phường.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu cần đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; có kế hoạch triển khai hiệu quả Đề án 06; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ tốt nhu cầu người dân, doanh nghiệp.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập71
  • Tổng lượt truy cập5,500,963
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây