Phát triển đô thị là một trong những động lực phát triển chính của tỉnh Bình Định. Hiện, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 46,3%, tăng gần 15% so với năm 2010, góp phần đáng kể cho tăng trưởng, mở ra những không gian phát triển mới.
ĐỘNG LỰC TỪ ĐÔ THỊ BIỂN - KINH TẾ BIỂN Trong xu thế tiến về phía biển, thúc đẩy sự kết nối giữa kinh tế biển với chuỗi đô thị biển là cách thức để Bình Định hình thành cực kinh tế mũi nhọn có thể cạnh tranh. Đặc biệt, “cung đường ven biển ngàn tỷ” ĐT 639 từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn vànhững tuyến đường kết nối khu công nghiệp, sân bay, trung tâm đô thịphía Tây hướng vềphía biển là lợi thế để tỉnh sớm hiện thực hóa mục tiêu trung tâm kinh tế biển.
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay, phát huy lợi thế biển, TP Quy Nhơn đã tạo sản phẩm du lịch có tính đặc thù và xây dựng thương hiệu du lịch biển Quy Nhơn. Năm 2023, kế hoạch cả tỉnh đón 5 triệu lượt khách du lịch (tăng 21%), doanh thu 16.000 tỷ đồng (tăng 22% so với năm 2022); riêng Quy Nhơn ước đón khoảng 4,5 triệu lượt khách, chiếm 90% kế hoạch toàn tỉnh. Không những thế, Quy Nhơn hình thành một đô thị biển năng động, nơi tìm đến của nhà đầu tư bất động sản...
“Kinh tế biển từ dịch vụ cảng biển được khai thác hiệu quả, hoàn thiện hơn khi Cảng Quy Nhơn không ngừng được đầu tư, mở rộng. Việc hình thành chuỗi đô thị cũng gắn liền với phát triển kinh tế công nghiệp, đặc biệt với Khu kinh tế Nhơn Hội được nhiều DN lớn đầu tư, kinh doanh về hạ tầng, DN năng lượng, công nghiệp công nghệ cao lựa chọn, thu hút phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp năng lượng tái tạo…”, ông Nam nói.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Tuyến đường ven biển Cát Tiến- Mỹ Thành thông xe cuối năm 2022 là cú hích rất quan trọng, tạo động lực phát triển nhanh, mạnh cho khu vực ven biển Phù Cát về không gian đô thị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hiện, toàn bộ khu vực ven biển (thị trấn Cát Tiến, đô thị Cát Khánh, Cát Hải, Cát Thành) đã lập quy hoạch đạt 100% và lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho khu vực trọng tâm đô thị Cát Tiến, Cát Khánh, cùng một số khu vực có lợi thế. Các trục đường kết nối ĐT 633 với đường ven biển cũng mở hướng phát triển du lịch thị trấn Cát Tiến với việc hình thành một loạt dự án hạ tầng đô thị, du lịch lớn như: Maia Quy Nhơn Beach Resort, Trung Lương, Ban Mai, Cát Hải Bay, khu đô thị và du lịch biển An Quang… “Đây là những cơ sở để phấn đấu đến năm 2030, khu vực đô thị ven biển sẽ đóng góp lớn nhất trong phát triển kinh tế huyện Phù Cát, với mũi nhọn là thương mại dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị”, ông Hưng bày tỏ.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo cho biết, tỉnh Bình Định đã quy hoạch hệ thống đô thị biển kéo dài từ Quy Nhơn ra đến cảng Tam Quan. Ngoài thành phố biển Quy Nhơn hiện hữu, Khu kinh tế Nhơn Hội quy hoạch 12.000 ha với chức năng là các khu du lịch, đô thị dọc theo bờbiển từ Nhơn Hải (Quy Nhơn) đến Tân Thanh (Phù Cát), tỉnh đã phê duyệt các đồ án quy hoạch khu vực phía Nam đầm Đề Gi từ Chánh Oai đến cửa Đề Gi (Phù Cát), quỹ đất dọc đường ven biển đoạn Đề Gi - Mỹ Thành (Phù Mỹ).
TP Quy Nhơn tạo ra sản phẩm du lịch có tính đặc thù và xây dựng thương hiệu du lịch biển Quy Nhơn. Ảnh: LÊ CƯỜNG
HÌNH THÀNH CHUỖI ĐÔ THỊ ĐỘNG LỰC Là trục tăng trưởng kinh tế phía Bắc tỉnh, TX Hoài Nhơn tập trung công tác quy hoạch, phát triển đô thị. Trước hết, quy hoạch, đầu tư xây dựng Khu đô thị thương mại dịch vụ và dân cư dọc tuyến sông Cạn trở thành khu đô thị hiện đại, thông minh. Thị xã cũng lập các quy hoạch cho “hai cánh” và “bốn trung tâm”. Hoài Nhơn là điểm sáng thu hút đầu tư với 7 cụm công nghiệp, 37 DN đầu tư 2.524 tỷ đồng, doanh thu 2.178 tỷ đồng/năm. Từ nay đến năm 2025, thị xã đặt mục tiêu thu hút 69 dự án đầu tư, tổng vốn hơn 54.623 tỷ đồng.
“Đó là những tiền đề để thị xã phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị, làm nền tảng phấn đấu đạt ít nhất 70% tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025 và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị hạt nhân phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn chia sẻ.
Để phát triển đô thị là một trong những động lực phát triển, vấn đề quy hoạch xây dựng và quản lý tốt đô thị được đặt ra. Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay, vấn đề quan trọng là thành phố phải hoàn thiện quy hoạch chung tổng thể, làm cơ sở pháp lý trong quản lý, khuyến khích phát triển, kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, phát triển kinh tế đô thị cần có nguồn lực đầu tư lớn; quỹ đất cho phát triển kinh tế đô thị cũng là một thách thức khi vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để phát triển đô thị mất rất nhiều thời gian…
Còn Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo nhấn mạnh, cùng với nghị quyết của tỉnh xác định trụ cột phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị, Bình Định đang xây dựng kế hoạch để thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trong đó, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực trên toàn tỉnh; liên kết vùng, khu vực và cả nước. Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị có tính bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng chất lượng sống đô thị ở mức trung bình khá đến cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội…
Tất cả 5 trụ cột phát triển của Bình Định những năm tới đều xoay quanh lợi thế về biển. Đường ven biển mới là không gian kinh tế chính trong tương lai của tỉnh. Còn Khu kinh tế Nhơn Hội trên bán đảo Phương Mai (Quy Nhơn) được đánh giá là cực tăng trưởng quan trọng của tỉnh và của TP Quy Nhơn - nơi đây hứa hẹn trở thành đô thị cảng biển thịnh vượng và hướng đến khai thác các hoạt động, dịch vụ kinh tế đêm để phục vụ tốt cho người dân và du khách. TS TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Nguồn tin: Theo MAI HOÀNG - HẢI YẾN, Báo Bình Định: