Khu kinh tế Bình Định

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thứ hai - 24/04/2023 05:40
Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 đã được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố vào ngày 11.4 cho thấy sự nỗ lực của Bình Ðịnh trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để nâng cao năng lực cạnh tranh.
 
Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến.  Ảnh: TIẾN SỸ
Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: TIẾN SỸ
Trong 10 chỉ số thành phần cấu thành bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận Bình Định có 4 chỉ số thành phần tăng điểm, trong đó chỉ số thành phần “môi trường cạnh tranh bình đẳng” tăng 0,95 điểm so với năm 2021, đứng thứ 1/63 tỉnh, thành trong nước. Các chỉ số thành phần khác, như: “Gia nhập thị trường” tăng 0,22 điểm, xếp thứ 11; “tiếp cận đất đai” tăng 0,24 điểm, xếp thứ 18; “thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” tăng 0,69 điểm, xếp thứ 9.

Nhưng ngược lại, có 6 chỉ số thành phần giảm điểm, trong đó chỉ số “chính sách hỗ trợ DN” giảm mạnh nhất với 1,74 điểm, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành; tiếp đến “chi phí thời gian” giảm 1,31 điểm, xếp thứ 48; “đào tạo lao động” giảm 0,75 điểm, xếp thứ 35. Các chỉ số: “Tính minh bạch”, “tính năng động của chính quyền”, “chi phí không chính thức” giảm từ 0,26 - 0,63 điểm so với năm 2021 và đều xếp thứ hạng không cao.

Trên cơ sở đó, VCCI tính toán tổng số điểm PCI của Bình Định đạt được năm 2022 là 66,65 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành. Đối chiếu với năm 2021 (Bình Định được 68,32 điểm, tăng 5,14 điểm so với năm 2020; có 7 chỉ số tăng điểm, 3 chỉ số giảm điểm), PCI năm 2022 của tỉnh giảm 1,67 điểm; giảm 10 bậc về thứ hạng.

Ngay sau khi VCCI công bố kết quả, UBND tỉnh giao cho Sở KH&ĐT phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần tăng và giảm điểm, đồng thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong năm 2023.

Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho hay: Đối với các chỉ số tăng điểm hoặc chỉ giảm điểm ít nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng chung cả nước, như “tính minh bạch”, “đào tạo lao động”, “tính năng động của chính quyền”, Sở KH&ĐT đề xuất Sở TT&TT, Sở LĐ-TB&XH, Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện. Đối với các chỉ số giảm điểm nhiều làm ảnh hưởng lớn đến thứ hạng của tỉnh, như “chi phí thời gian”, “chi phí không chính thức”, “chính sách hỗ trợ DN”, chúng tôi đề xuất Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh và Sở Công Thương chủ trì thực hiện nhiều nhóm giải pháp. 
Từ nay đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng, gửi nhận văn bản điện tử liên thông 3 cấp tỉnh - huyện - xã. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin cho cổng thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh; đồng thời đăng tải đầy đủ, công khai, minh bạch chiến lược phát triển KT-XH; quy hoạch địa phương; quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch.

Việc cho thuê đất, đấu giá đất, thuê hạ tầng các dự án; thông tin về dự án; các tài liệu chi tiết về thu, chi ngân sách, các thông tin về mời thầu, đấu thầu… cũng phải được công khai minh bạch. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc phát triển các cơ sở đào tạo nghề theo quy hoạch; đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề và chủ động trong việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động, tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng cũng như sử dụng lao động của các DN.

Các sở, ban, ngành, các địa phương nâng cao kỹ năng điều hành, thể hiện rõ nét hơn mức độ thân thiện giữa chính quyền với DN; tiếp tục rà soát, xử lý nhanh các thủ tục có liên quan đến DN và nhà đầu tư đúng thời gian, quy trình theo quy định; tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra DN đảm bảo không trùng lắp, kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà DN. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ DN phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các DN sản xuất các mặt hàng chủ lực của tỉnh; đồng thời thường xuyên đối thoại với DN, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn vướng mắc phát sinh để cùng phối hợp giải quyết.
 

Nguồn tin: Theo PHẠM TIẾN SỸ, Báo Bình Định::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập16
  • Tổng lượt truy cập5,501,035
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây