Vị trí việc làm là căn cứ để tuyển dụng, nâng ngạch hoặc điều động công chức. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức.
Nghị định này quy định về nguyên tắc, căn cứ, trình tự, trách nhiệm, thẩm quyền quyết định và điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, biên chế công chức.
Theo Nghị định 62, vị trí việc làm được phân loại theo các tiêu chí như sau:
- Theo khối lượng công việc: Vị trí việc làm do một người đảm nhiệm, nhiều người đảm nhiệm hoặc kiêm nhiệm;
- Theo tính chất, nội dung công việc: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên ngành; hỗ trợ, phục vụ; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung như tài chính, kế hoạch và đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng…
Căn cứ để xác định vị trí việc làm, dựa vào:
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức;
- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Việc điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Cơ quan, tổ chức có sự thay đổi một trong các căn cứ xác định vị trí việc làm.
- Cơ quan, tổ chức được tổ chức lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 62 đã quy định việc xác định biên chế công chức được dựa vào các căn cứ sau:
- Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm;
- Mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;
- Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao;
- Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương còn cần phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, so với quy định cũ (Nghị định 21/2010/NĐ-CP), các quy định tại Nghị định 62 đã bỏ việc xác định biên chế công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này nhằm phù hợp với Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung sắp có hiệu lực từ 01/7/2020.
Nghị định cũng quy định rõ việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức được xem xét trong các trường hợp:
- Cơ quan, tổ chức có thay đổi một trong các căn cứ: Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao…
- Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện;
Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức có hiệu lực từ ngày 20.7.2020. Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2020, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm đối với công chức nghiệp vụ chuyên ngành được giao quản lý từ trung ương đến địa phương, định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn cụ thể việc xác định cơ cấu ngạch công chức. Và chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thiện và ban hành quyết định vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý để thay thế các quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt danh mục vị trí việc làm của bộ, ngành, địa phương.
Tác giả bài viết: - Võ Thị Hà Giang
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn