Doanh nghiệp “vừa đi vừa tính” trong bối cảnh bình thường mới
Thứ sáu - 22/10/2021 10:29
Khi quay trở lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới, doanh nghiệp chế biến tôm phải đối mặt với ba vấn đề lớn là nguồn nguyên liệu đã cạn kiệt, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và sự thay đổi của các nhà nhập khẩu.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128 với nội dung “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, trong đó có quy định bốn màu theo cấp độ dịch.
Như vậy, các doanh nghiệp được phép mở cửa hoạt động và sắp xếp phục hồi theo khả năng với nhiều cấp bậc khác nhau. Ở mọi cấp độ doanh nghiệp đều có thể hoạt động theo khuôn khổ quy định. Cần vốn vay lãi suất thấp
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước, Chính phủ đã cho nới lỏng giãn cách giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất. Song, đợt dịch vừa qua kéo dài hơn bốn tháng khiến doanh nghiệp cạn kiệt tài chính, đứt gãy dòng tiền và điều họ cần nhất bây giờ là ngân hàng bơm thêm “tín dụng” tạo nguồn vốn khôi phục sản xuất.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng không có nguồn vốn để vực dậy sản xuất nên vẫn đang tiếp tục đóng cửa, riêng Thuận Phước để duy trì hoạt động trong thời gian qua công ty phải lấy từ nguồn lợi nhuận tích lũy của doanh nghiệp, nhưng nay cũng bị bào mòn gần hết.
“Lúc này, các doanh nghiệp rất muốn khôi phục sản xuất để trả các đơn hàng đã ký cho đối tác, và giữ chân khách hàng nên rất cần nguồn vốn lãi suất thấp, nếu phải vay với lãi suất từ 7 - 8%/năm như hiện nay sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Để giúp doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn này, Chính phủ, các bộ, ngành cần có chính sách tài khóa, tiền tệ mạnh mẽ hơn trước, còn nếu chỉ hỗ trợ lắt nhắt, không có nhiều ý nghĩa đối với doanh nghiệp”, ông Lĩnh đề xuất.
Còn theo ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), khi quay lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới doanh nghiệp không chỉ khắc phục các sự cố trong thời gian dịch bệnh diễn ra, mà còn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng lại bất cứ lúc nào và nhiều vấn đề khác. Thứ nhất, Chính phủ đang cố gắng phủ đủ 2 mũi vaccine cho toàn dân để kéo giảm tỷ lệ tử vong, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 không chỉ phụ thuộc vào độ phủ vaccine mà còn phụ thuộc vào năng lực trị bệnh của đội ngũ y, bác sĩ.
Hiện năng lực trị bệnh COVID-19 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn hạn chế do ba cái thiếu: Trang thiết bị điều trị bệnh, thuốc đặc trị và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao - vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà cần phải có quá trình. Như vậy, doanh nghiệp khi quay lại sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình chung về dịch bệnh. Thứ hai, vấn đề tài chính hầu hết các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu điều vay đô la lãi suất lao động từ 2 - 3%/ năm, nếu được ngân hàng giảm lãi suất được thì sẽ tốt cho doanh nghiệp. Thứ ba, đã qua vụ thả nuôi tôm và doanh nghiệp đang đối mặt với nguồn nguyên liệu cạn kiệt, nhiều doanh nghiệp phải lấy hàng trong kho ra sản xuất dẫn đến sản lượng chế biến giảm. Các đơn hàng phục vụ Noel và Tết dương lịch cũng đã qua.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng ở Việt Nam khiến các doanh nghiệp không giao hàng đúng lịch, đã gây lúng túng cho nhà nhập khẩu ở các thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, … và thị trường các nước cũng có những diễn biến phức tạp nên chưa thể dự báo được.
Ví dụ, trước đây tỷ lệ mua hàng của nhà nhập khẩu đối với Việt Nam 60%, Ấn Độ 30% và Indonesia là 10%, sau khi Việt Nam để xảy ra đợt dịch COVID-19 lần 4, nhiều nhà nhập khẩu đã đưa Việt Nam vào danh sách “những nhà cung cấp có rủi ro về dịch bệnh COVID” nên tỷ lệ mua hàng đã giảm xuống còn khoảng 30% - 40%.
Trong kinh doanh niềm tin về sự ổn định trong sản xuất kinh doanh là rất quan trọng, nên bây giờ lượng khách nhập hàng đến với Việt Nam đã giảm và đơn hàng cũng vơi đi. Mặc dù doanh nghiệp vẫn ký các hợp đồng mới nhưng là các đơn hàng nhỏ vì hợp đồng có đơn hàng lớn bây giờ ít có khách hàng nào chịu ký. Doanh nghiệp “đi một bước tính một bước”
Chính phủ cho doanh nghiệp quay trở lại sản xuất mà tỷ lệ tiêm vaccine ở ĐBSCL còn quá thấp, trong khi khu vực này có nhiều nhà máy chế biến thủy sản, trái cây và lúa gạo xuất khẩu.
Hiện nay, lực lượng lao động về làm việc tại các nhà máy chưa có nhiều, vì có một số công nhân ở trong khu phong tỏa không đến được nhà máy, số khác không quay lại vì gia đình lo sợ bị nhiễm dịch bệnh. Đây là lĩnh vực cần rất nhiều lao động nên cũng là một khó khăn lớn đối với doanh nghiệp.
“Chính vì vậy, sản xuất của doanh nghiệp sẽ không thể nào như trước đây, hiện nhà máy của Stapimex chỉ sản xuất khoảng 70% công suất.
Sản xuất trong điều kiện bình thường mới mà chưa tiêm đủ vaccine, năng lực trị bệnh chưa tốt và thiếu nguồn lực lao động. Hiện nay dịch bệnh tuy đã tạm lắng nhưng nguy cơ bùng phát hoàn toàn có thể xảy ra khiến doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn vì chưa thể đoán định được thị trường, cần phải chờ thêm sáu tháng nữa xem tình hình như thế nào.
Trước những khó khăn trong nước cũng như trên toàn cầu nên doanh nghiệp cứ "đi một bước tính một bước" chứ không thể đưa ra kế hoạch dài hạn như trước đây.
Sáu tháng đầu năm xuất khẩu rất tốt có những doanh nghiệp xuất khẩu vượt chỉ tiêu 20 - 30%, nhưng sáu tháng cuối năm xuất khẩu sụt giảm. Với tình hình này cộng dồn cả năm kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 có thể có tăng trưởng nhưng để làm đẹp con số thì rất khó”, ông Phẩm nhận định.