Hội nghị Trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các KCN, KKT, KCX, KCNC và CCN
Thứ hai - 20/09/2021 16:34
Sáng 20/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Trực tuyến với một số địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp (KCN, KKT, KCX, KCNC và CCN). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo và chủ trì Hội nghị tại Điểm cầu Hà Nội cùng với Lãnh đạo một số bộ, ngành và Điểm cầu 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự tại Điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Nguyễn Tuấn Thanh và lãnh đạo các sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Y tế, Giao thông Vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cả nước hiện nay có 19 KKT ven biển với tổng diện tích quy hoạch 871,5 nghìn ha, trong đó 18 KKT đã được thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha, tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất trong KKT đạt trên 44,1 nghìn ha, chiếm khoảng 45% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong các KKT ven biển. Cả nước có 563 KCN với tổng diện tích 210,9 nghìn ha trong đó 397 KCN đã được thành lập (có 04 KCX) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 122,9 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 82,6 nghìn ha (chiếm 67,2% diện tích đất tự nhiên), có 291 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 87,1 nghìn ha và 106 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên là 35,7 nghìn ha; tỷ lệ lấp đầy các KCN trong cả nước đạt khoảng 52,5%, nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71%. Có 1.704 CCN với tổng diện tích 58.123 ha trong đó có 968 CCN đã được thành lập với tổng diện tích 30.900 ha, trong số này có 730 CCN đang hoạt động với tổng diện tích trên 22.300 ha (chiếm 74,5%).
Trong 08 tháng đầu năm 2021, đối với đầu tư nước ngoài, cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án FDI mới và 517 dự án FDI tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD (tăng 7,3% về số vốn đăng ký mới và tăng thêm so với cùng kỳ năm 2020); Lũy kế đến cuối tháng 8/2021, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được 10.963 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 230 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 68,9%. Đối với đầu tư trong nước, các KCN, KKT đã thu hút được khoảng 432 dự án đầu tư mới và 153 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 154,1 nghìn tỷ đồng (tăng 7,2% về số vốn đăng ký mới và tăng thêm so với cùng kỳ năm 2020); Lũy kế đến cuối tháng 8/2021, các KCN, KKT trên cả nước có khoảng 10.195 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,54 triệu tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 45,4%.
Trong 08 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN, KKT đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt khoảng 100,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp vào NSNN khoảng 96,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2020; các KCN, KKT đã tạo việc làm cho gần 04 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456 nghìn lao động nước ngoài), tăng khoảng 50 nghìn lao động so với cuối năm 2020. Các CCN cũng tạo việc làm cho trên 580.500 lao động; 141 CCN có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động (chiếm 19,3% số CCN hoạt động).
Đối với tỉnh nhà, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 07 KCN, gồm: KCN Phú Tài có quy mô diện tích 345,8 ha; KCN Long Mỹ giai đoạn 1 khoảng 110 ha và 100 ha cho giai đoạn 2; KCN Nhơn Hòa 320 ha; KCN Hòa Hội 340 ha; KCN Cát Trinh 375 ha; KCN Bình Nghi 228 ha. Đồng thời, Khu kinh tế Nhơn Hội là khu vực động lực, hạt nhân tăng trưởng kinh tế của tỉnh có quy mô 14.308 ha; gồm 12.000 ha đất, mặt nước ven biển, thuộc địa giới hành chính của Thành phố Quy Nhơn, huyện Phù Cát, và huyện Tuy Phước và hơn 2.300 ha thuộc xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Bên cạnh đó, còn có 63 Cụm Công nghiệp trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với tổng diện tích khoảng 1.981 ha. Đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN có 386 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 129.601 tỷ đồng. Trong đó, có 38 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 775 triệu USD. Tổng số lao động hơn 20.000 người, có 25 DN sử dụng lao động là người nước ngoài và 153 doanh nghiệp hoạt động ổn định với khoảng hơn 19.000 lao động.
Từ đầu năm 2020 đến nay, qua 04 đợt bùng phát của Đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng đều đối mặt với vô vàn khó khăn. Tại Hội nghị, các địa phương và doanh nghiệp đã báo cáo với Chính phủ một số khó khăn, vướng mắc chính như sau:
- Các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các địa phương tiếp tục bị trì hoãn, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư vào KCN, KKT, KCX, KCNC và CCN;
- Các doanh nghiệp chủ yếu thuộc các ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, sản xuất, chế biến gỗ, đá… (là những ngành xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm) bị ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây nhiều nguồn cung đầu vào và thị trường đầu tư bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng;
- Chưa đồng bộ nhà ở và các công trình xã hội cho người lao động làm việc trong một số KCN gây khó khăn trong kiểm soát dịch, bệnh; hướng dẫn phòng, chống dịch chưa hợp lý, hiệu quả hoặc áp dụng cứng nhắc tại một số địa phương đã khiến chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn nghiêm trọng;
- Khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia. Để cầm cự trước dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành yêu cầu tay nghề, lao động phổ thông như cơ khí, dệt may, sản xuất, chế biến gỗ, đá… Các doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh và việc gia hạn hoặc cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài;
- Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như: chi phí xét nghiệm (đối với các doanh nghiệp có nhiều lao động), chi phí đầu tư để áp dụng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ của doanh nghiệp…;
- Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp không còn đủ vốn lưu động chi trả các khoản bảo hiểm, thuế, chi phí nguyên vật liệu… Doanh nghiệp không thu được công nợ nên không đủ bù chi phí trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và những khoản vay đến hạn chưa có khả năng đáo hạn, ngân hàng siết chặt các khoản vay;
- Các doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai các biện pháp vừa chống dịch vừa sản xuất dinh doanh. Các doanh nghiệp tổ chức phương án 03 tại chỗ nhưng không đủ không gian trong việc bố trí chỗ ở cho người lao động, phải tận dụng phòng họp, phòng làm việc, nhà kho… làm nơi lưu trú nên việc yêu cầu doanh nghiệp giữ khoảng cách tối thiểu theo quy định cho người lao động rất khó áp dụng, chi phí thực hiện (hoán cải công năng của các khu vực khác nhau thành chỗ ở tạm) rất cao, môi trường cách ly tại chỗ nhiều nơi không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định luôn kiên định mục tiêu kép và sẽ dốc toàn lực nhằm kiểm soát dịch bệnh trong cuối năm 2021 khi tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II năm 2022; doanh nghiệp là chủ thể trong quá trình phục hồi và phát triển công nghiệp, do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động lên phương án phục hồi và duy trì sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, trong đó phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương có trách nhiệm thành lập tổ hỗ trợ trên cơ sở phương án phục hồi SXKD của doanh nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết các vấn đề về tiêm vắc xin cho người lao động, lưu thông hàng hóa…
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương. Tùy theo tình hình của mỗi địa phương, các doanh nghiệp chủ động xây dựng các phương án sản xuất, nhất là có giải pháp kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát được F0, không để dịch bệnh lây lan tại các KCN, KKT, KCX, KCNC và CCN. Các địa phương cần sớm tổ chức hội nghị để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bảo đảm lưu thông hàng hóa, kiểm soát dịch bệnh, duy trì vùng xanh trong doanh nghiệp. Tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để phát sinh các ổ dịch mới. Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng các phương cho phục hồi sản xuất. Bộ Y tế tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia ưu tiên vắc xin tiêm cho toàn bộ công nhân, lao động trong các doanh nghiệp; tăng cường hướng dẫn, giúp các địa phương trong việc xác định, xây dựng các vùng xanh phục hồi sản xuất. Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thanh tra, kiểm tra, tháo gỡ các khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, hạn chế thấp nhất ách tắc hàng hóa. Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên qua đổi mới các quy trình, tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh của các chuyên gia. Bộ Công Thương có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, Hội nghị tin tưởng các doanh nghiệp sẽ vượt qua giai đoạn rất khó khăn của Đại dịch Covid-19, từng bước hoạt động ổn định trong trạng thái bình thường mới.