Hoàn thiện chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Thứ ba - 31/10/2023 06:08
Các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay khiến doanh nghiệp ngại tiếp cận do nhiều thủ tục hành chính trong khi mức hỗ trợ thấp, rủi ro về lộ bí mật kinh doanh...
Hiện nay, nhu cầu về hỗ trợ pháp lý, nâng cao năng lực pháp lý và giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng cao. Đó là chia sẻ của ông Cao Thế Anh, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Tổng giám đốc CTCP Truyền thông ALO tại Hội nghị của Bộ Tư pháp (diễn ra sáng 24/10) về triển khai Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Một trong các nhiệm vụ của Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” là hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Cụ thể:
(1) Hoàn thiện khung pháp lý về tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
(2) Rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp;
(3) Nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở Việt Nam.
Có thể nói, với 97% số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các daonh nghiệp không đủ nguồn lực đầu tư cho nhân lực có kiến thức, trình độ và kỹ năng liên quan đến các vấn đề pháp lý. Trong khi đó, pháp luật ngày càng có vai trò quan trọng, là một yếu tố quyết định thành - bại của các doanh nghiệp trên thương trường.
Sau khi Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, ngày 24/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, với 21 điều.
Theo Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp, kể từ năm 2008 khi Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cho đến Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện bài bản, chất lượng hơn, giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
Nêu thực tiễn, Luật sư Lãm cho biết, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều này, bộ, cơ quan ngang bộ xem xét thông báo bằng văn bản về việc đồng ý hoặc không đồng ý hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…”. “Thời gian xem xét, trả lời đồng ý hay không đồng ý theo quy định 10 ngày là quá dài. Doanh nghiệp cần được trả lời sớm hơn để yên tâm sản xuất, kinh doanh hoặc tìm giải pháp tháo gỡ. Đề nghị xem xét quy định 5 ngày làm việc”, Luật sư Lãm nói và đề nghị quy trình xem xét và hồ sơ đề nghị tư vấn, hỗ trợ cần được đơn giản hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Lãm, mức chi phí hỗ trợ tư vấn pháp luật cũng cần quy định với mức chi cao hơn, bởi mức chi không quá 3 - 5 - 10 triệu đồng một năm, tương ứng với doanh nghiệp siêu nhỏ - nhỏ - vừa là quá thấp. Ông kiến nghị Bộ Tài chính cần xem xét, cân đối, phân bổ ngân sách cho Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phối hợp cùng Bộ Tư pháp xem xét, sửa mức chi theo hướng tăng cao hơn, phù hợp với yêu cầu của hoạt động…
Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Lê Hồng Lam, Tổ trưởng Tổ rà soát thủ tục hành chính của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, mức chi phí này không khuyến khích được các luật sư tham gia mạng lưới để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, theo Luật sư Lê Hồng Lam, nhiều doanh nghiệp cũng e ngại vì nếu tiếp cận và để nhận được hỗ trợ từ phía nhà nước, doanh nghiệp có nguy cơ bị lộ bí mật kinh doanh do phải gửi cho cơ quan nhà nước nội dung văn bản tư vấn pháp lý để công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục hành chính chỉ để nhận một khoản hỗ trợ thấp.
Một vấn đề nữa cũng được các luật sư chỉ ra là tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định tổ chức được công nhận tham gia mạng lưới tư vấn viên pháp luật chỉ bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật. Như vậy, các đối tượng tổ chức được liệt kê chưa đầy đủ do luật sư còn có chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật.
“Tư vấn pháp luật là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có các văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, quy định về hồ sơ đăng ký chưa rõ ràng các văn bằng, chứng chỉ tương ứng”, Luật sư Lê Hồng Lam cho hay.
Để các quy định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự đi vào thực tế, phát huy hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Lam cho rằng, hệ thống quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hoàn thiện đầy đủ, cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả, bổ sung nguồn lực. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP theo hướng coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là trung tâm chủ động trong việc yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho mình.
Ngoài ra, theo Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Công ty Luật TNHH LS Ngọc Lan và Cộng sự, cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. “Muốn bảo vệ bản thân, cũng như góp phần thúc đẩy hoạt động, doanh nghiệp không những phải có nền kiến thức pháp luật trong nước mà cũng cần nắm bắt những kiến thức pháp luật cơ bản của quốc tế để có thể chủ động trong các giao dịch, tránh các rủi ro, tranh chấp kéo dài”, bà Lan nói.