SẢN XUẤT - KINH DOANH MÙA COVID-19: Doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn
Thứ tư - 15/04/2020 10:09
Dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng loạt DN gặp khó khăn. Ðể hạn chế tối đa các thiệt hại, vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhiều DN đã nỗ lực tìm giải pháp duy trì sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Văn Khiêm, Phó Giám đốc Công ty CP Giày Bình Định, cho biết: Năm 2019, đơn vị sản xuất trên 1,2 triệu đôi giày, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Công ty bằng 0. Không chỉ có vậy, 1.160 lao động - hơn 80% tổng số lao động - của Công ty tạm thời phải nghỉ việc. Điều mà lãnh đạo DN quan tâm nhất lúc này nếu không muốn nói là duy nhất là làm sao có đủ việc làm cho người lao động.
“Điều mà lãnh đạo DN quan tâm nhất lúc này nếu không muốn nói là duy nhất là làm sao có đủ việc làm cho người lao động”.
Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều DN chế biến gỗ và lâm sản vào cảnh ngộ tương tự. Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, từ đầu năm đến nay, hầu hết các DN thuộc Hiệp hội hiện chưa có đơn hàng mới. Đã vậy, nhiều đơn hàng cũ, khách hàng đề nghị tạm dừng giao hàng và chậm thanh toán tiền hàng… Ước tính, từ đầu năm đến nay, doanh thu của các DN chế biến gỗ trên địa bàn giảm ít nhất khoảng 45 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Và tất cả các DN hiện đều tập trung mọi nỗ lực vào mục tiêu lớn nhất, duy trì hoạt động sản xuất để giữ chân người lao động, giúp họ ổn định đời sống đến mức có thể.
Xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Quy Nhơn.
Theo ông Trần Văn Khiêm, những ngày qua bên cạnh việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, Công ty CP Giày Bình Định đã nghiên cứu tìm giải pháp ứng phó, nỗ lực cầm cự, duy trì lực lượng để mau chóng khôi phục hoạt động sản xuất ngay khi hết dịch. Đơn vị cũng phối hợp với các sở, ngành chức năng để hỗ trợ người lao động. Trong khi đó, ông Phan Tuấn Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, cho biết: Để hỗ trợ DN cùng vượt qua khó khăn với tinh thần “giúp đối tác là giúp chính mình”, từ ngày 1.4 đến ngày 31.5, chúng tôi giảm giá gần 10% nhiều dịch vụ bốc xếp hàng hóa thông qua cảng. Cụ thể, giảm giá nâng, hạ bãi - ô tô đối với hàng container 20 feet từ 325 nghìn đồng xuống 295 nghìn đồng; container không chứa hàng từ 208 nghìn đồng giảm còn 188 nghìn đồng; container từ 40 feet có hàng trở lên từ 513 nghìn đồng giảm còn 463 nghìn đồng; container từ 40 feet trở lên không hàng từ 320 nghìn đồng giảm còn 290 nghìn đồng. Đặc biệt, Cảng Quy Nhơn còn miễn cước dịch vụ lưu bãi cảng, lưu hàng container chờ xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5.2020. Áp dụng chính sách hỗ trợ giảm 48% đơn giá xếp dỡ bằng cẩu Gottwald chạy điện làm hàng dăm gỗ; giảm 8% đơn giá đóng bao hàng phân bón rời nhập khẩu khi khách hàng đưa hàng vào kho cảng để giải phóng nhanh tàu; giảm 20% đơn giá tịnh, đóng bao hàng rời từ container; giảm 54% đơn giá điện phục vụ container lạnh; miễn cước dịch vụ lưu bãi hàng container rỗng để khuyến khích khách hàng tập kết vỏ container phục vụ việc đóng/nạp hàng xuất nhập khẩu.
Quý I/2020, giá trị sản xuất công nghiệp của nhiều sản phẩm trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Cụ thể gồm: Chế biến bột giấy giảm 80%; giày dép giảm gần 54%; sữa và kem cô đặc giảm gần 36%; tôm đông lạnh giảm 24,4%... Ðồng thời, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành hàng cũng giảm sút như: Thủy sản (-20%); gạo (-41,2%); mì và các sản phẩm từ mì (-10,1%); giày dép các loại (-35%)...
Nhờ linh hoạt trong điều chỉnh các chính sách hỗ trợ DN, trong 3 tháng đầu năm 2020, Cảng Quy Nhơn vẫn thực hiện đạt và vượt kế hoạch sản xuất, kinh doanh, với sản lượng hàng hóa thông qua cảng hơn 2,4 triệu tấn, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019. “Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh hết sức khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cảng tiếp tục cố gắng bám sát kế hoạch đặt ra đầu năm, có chính sách điều chỉnh giá dịch vụ linh hoạt, nhằm thực hiện kế hoạch đề ra là đạt 10 triệu tấn hàng hóa thông qua trong năm 2020”, ông Phan Tuấn Linh chia sẻ. Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Những ngày qua, Sở đã chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ. Sở đã tham mưu để tỉnh kiến nghị Chính phủ, các Bộ tạo điều kiện để DN sớm được hưởng lợi từ các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào, giảm giá điện nước và các chi phí dịch vụ cảng biển; hạ lãi suất, khoanh nợ các khoản vay, hỗ trợ vốn vay ưu đãi; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ… Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện Chỉ thị số 5 của Bộ Công Thương về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19; đồng thời chủ động rà soát các chương trình xúc tiến thương mại, cân đối nguồn lực, ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông, thủy sản đối với các thị trường thay thế. Sở Công Thương cũng đã đề nghị Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến Thương mại và Sở Công Thương của nhiều tỉnh thành kết nối với các nhà phân phối đưa sản phẩm của các DN Bình Định tiêu thụ trên cả nước. Đồng thời chủ động hỗ trợ DN trong tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ trong nước và các nước, giảm dần và tránh phụ thuộc chính vào Trung Quốc.