Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2020 tháo gỡ nhiều nút thắt trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp
Thứ tư - 16/09/2020 06:02
Sau 6 năm hiệu lực thực hiện, cặp đôi Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp 2014 đã được thay thế bằng Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp 2020. Theo đó, có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung hướng tới mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thành lập và điều hành doanh nghiệp (DN), đăng ký đầu tư, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính. Hai luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với kỳ vọng giải thoát nhiều điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như tạo nên những thay đổi lớn trên thị trường, cả ở góc độ DN và quản lý nhà nước.
Luật Đầu tư 2020 có 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục, trong đó, bổ sung điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh. Luật sửa đổi và bổ sung 10 nhóm quy định trong Luật Đầu tư 2014 để đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan.Về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư, Luật Đầu tư 2020 quy định phân định rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, bao gồm đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, chủ trương đầu tư, …Luật bãi bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư đối với dự án có quy mô từ 5.000 tỷ đồng trở lên và không áp dụng chủ trương đầu tư đối với dự án của cá nhân, hộ gia đình.Bên cạnh đó, Luật phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư, xây dựng kinh doanh, sân golf; mở rộng quyền tự chủ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, như quyền chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, điều chỉnh dự án, ….Luật cũng điều chỉnh phạm vi các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn của DN. Đồng thời, cắt giảm 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động kinh doanh; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, DN trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Về quản lý nhà nước và bảo đảm an ninh quốc phòng, Luật Đầu tư 2020 đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, theo hướng xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập DN, góp vốn, mua cổ phần tại các DN ở đảo, xã, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng. Bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế; bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng. Đồng thời, quy định rõ không gia hạn thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và dự án có điều kiện chuyển giao không bồi hoàn. Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn cho DN do quy định thiếu đồng bộ về thời điểm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Khoản 3 của điều 75 của Luật này sửa đổi Điều 25 của Luật Bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực từ ngày 01/9/2020.
Song cùng với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng đã được ban hành với 10 chương, 218 điều.Theo ý kiến của người trực tiếp chắp bút cho Luật Doanh nghiệp lần này là những điểm mới được quy định nhằm tạo nên sự thay đổi trong quản trị công ty. Các vấn đề này có tính kỹ thuật nhưng sẽ làm thay đổi bản chất hoạt động của DN, thông qua những sửa đổi có tính đột phá đối với khuôn khổ pháp lý về quản trị DN theo chuẩn mực quốc tế tốt nhất về quản trị DN, do vậy DN sẽ phải tuân thủ chuẩn mực mới quản trị công ty, tuân thủ yêu cầu về công khai, minh bạch, .... Đây chính là chìa khóa tạo DN tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tìm kiếm bạn hàng, đối tác mới, ... DN sẽ lớn lên chính từ sự chuyên nghiệp trong quản trị DN. Những điểm mới của Luật doanh nghiệp 2020 có tính phổ biến và tác động ngay đến hoạt động của các DN bao gồm: (i) Điều lệ của công ty được bổ sung thêm nội dung, nêu rõ Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của DN; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật; (ii) Cụ thể hóa các phương thức thực hiện đăng ký DN: đăng ký DN tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký DN qua dịch vụ bưu chính viễn thông vàđăng ký qua mạng thông tin điện tử; (iii) DN không phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. DN có quyền quyết định có hoặc không có con dấu, số lượng, hình thức và nội dung con dấu của DN, dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của DN. Việc quản lý, sử dụng và lưu trữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do công ty ban hành, đơn vị khác của DN ban hành; (iv) Bãi bỏ quy định về gửi thông tin đăng ký DN định kỳ cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi DN đặt trụ sở chính. các cơ quan liên quan có nghĩa vụ tự tìm hiểu các thông tin cần thiết trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN định kỳ và thường xuyên để phục vụ cho các nhiệm vụ theo chức trách được giao.