Khu kinh tế Bình Định

Ảnh hưởng của thu hồi đất đối với việc vốn hóa đất đai

Thứ năm - 17/09/2020 06:00
    Vốn hóa đất đai là đưa đất đai thành nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội thông qua các phương thức như chuyển nhượng quyền sử dụng đất (bán đất); cho thuê hoặc cho thuê lại quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất; thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn. Khi được vốn hóa, giá trị của đất sẽ được tăng lên thông qua các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên chính mảnh đất đó. 
Ảnh hưởng của thu hồi đất đối với việc vốn hóa đất đai
Để giải phóng và làm tăng giá trị cao nhất của đất, Nhà nước thực hiện điều tiết việc quản lý, sử dụng đất thông qua nhiều hình thức, trong đó có thu hồi đất và công tác này có những ảnh hưởng nhất định:
 Thứ nhất, công tác thu hồi đất hiệu quả vừa giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia vừa đảm bảo vốn hóa đất đai kịp thời, nhanh chóng. thu hồi đất hiệu quả nhằm tạo ra một quỹ đất sạch lớn sẽ giúp cho đất tham gia vào quá trình đầu tư và tái đầu tư sớm hơn, không mất nhiều thời gian chờ đợi cũng như tiền bạc. Thực tế cho thấy, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là một trong những khâu tiền đề để thực hiện dự án, nếu như khâu này được làm tốt từ trước, tạo được “đất sạch” sẵn có thì nhà đầu tư sẽ thực hiện dự án đúng tiến độ, giúp cho dự án mang lại hiệu quả cao mà tiết kiệm được thời gian, hạn chế rủi ro và tránh tình trạng chi phí tăng cao so với dự toán. 
Thứ hai, thu hồi đất tạo ra quỹ đất sạch một mặt có thể thu hút đầu tư, mặt khác còn giúp hoàn thiện cơ cở vật chất, hạ tầng kinh tế kỹ thuật để các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân. Ở khía cạnh này, việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ mang lại lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Cụ thể:
Đối với Nhà nước, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội mang đến nhiều lợi ích cho công tác quản lý Nhà nước như : giúp Nhà nước thực hiện quy hoạch sử dụng đất nhằm làm tăng tối đa hiệu quả sử dụng của từng loại đất; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án có sử dụng đất, từ đó kích thích nền kinh tế phát triển; Nhà nước không phải bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nền kinh tế hoặc nhu cầu của xã hội, nhà đầu tư sẽ thay Nhà nước làm việc này, thậm chí việc này còn tạo ra nguồn thu cho Nhà nước từ tiền giao đất, cho thuê đất, thuế…
Đối với nhà đầu tư, Nhà nước thu hồi đất để giao hoặc cho các tổ chức kinh tế thuê để thực hiện các dự án, khi đó vị trí đất trước khi bị thu hồi có giá trị không cao (có thể nói là để “vốn chết”) sẽ trở nên có giá trị (trở thành “vốn sống”).   
Đối với người có đất bị thu hồi,  Hộ gia đình có đất nằm trong vùng quy hoạch sẽ bị thu hồi đất và được đền bù một khoản tiền nhất định. Đây là cơ hội và nguồn lực giúp hộ gia đình có thể chuyển đổi sinh kế và có thu nhập ổn định, người dân có thể chuyển hóa giá trị tài sản đất được bố trí tái định cư thành tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác, có thể thế chấp vay vốn, có thể tích tụ lại để bảo đảm cuộc sống khi về già, để cho con cháu.... Thực tế cho thấy, ở Khu kinh tế thì nhiều hộ gia đình sau khi bị thu hồi đất đã sử dụng số tiền được đền bù để đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc xây nhà để cho công nhân thuê. Nhờ đó, thu nhập của hộ gia đình tăng lên gấp nhiều lần so với khi còn sản xuất nông nghiệp.
Thứ ba, ngoài mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, việc thu hồi đất còn phải bảo đảm sự ổn định về chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Muốn vậy, Nhà nước cần phải điều tiết, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, đây là động lực của sự phát triển, nếu giải quyết tốt lợi ích kinh tế giữa ba chủ thể này thì sẽ tạo động lực cho sự phát triển của xã hội; ngược lại, chế định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội sẽ là nguyên nhân của những đối kháng và mâu thuẫn xã hội.
Như vậy, nếu công tác giải phóng mặt bằng thu hồi đất hiệu quả thì đất đai được thu hồi có thể nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư đúng tiến độ để sớm tham gia vào quá trình vốn hóa của nó.
 

Nguồn tin: Đặng Ngọc Kin - Ban QLDA và GPMB, Bản tin KKT số 4.2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập18
  • Tổng lượt truy cập5,207,111
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây