Khu kinh tế Bình Định

NGHIÊN CỨU KINH TẾ ÐÊM CỦA TP QUY NHƠN VÀ VÙNG PHỤ CẬN: Ðánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp

Thứ tư - 25/11/2020 06:00
Chiều 20.11, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về: “Kinh tế đêm của TP Quy Nhơn và vùng phụ cận - Thực trạng và giải pháp”. Qua đó đã gợi mở những vấn đề đáng quan tâm.
 
viewimage (1)
viewimage (1)
Đề tài nghiên cứu thực hiện từ tháng 3 - 12.2020, với sự tham gia của 4 chuyên viên thuộc Phòng Kinh tế của Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh. Phương pháp nghiên cứu là hỗn hợp định tính và định lượng; kết hợp khảo sát ý kiến của 600 du khách, 600 người dân, 100 hộ kinh doanh; xây dựng phiếu điều tra thực địa; tham khảo ý kiến của 20 chuyên gia và nhà quản lý các sở, ban, ngành liên quan, viện nghiên cứu và trường đại học trong tỉnh và ngoài tỉnh. 
 
‘Theo phản ánh chung của du khách, đến TP Quy Nhơn chỉ tập trung ăn ngủ, không có khu quy hoạch bài bản tập trung để họ vui chơi, mua sắm; sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Cần quy hoạch các khu dịch vụ riêng về đêm… Do đó, đề tài nghiên cứu thiết thực, nếu làm tốt sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển kinh tế về đêm sẽ tác động đến tình hình ANTT, nên cần có sự phối hợp tốt để đảm bảo quản lý được vấn đề này”. Ông NGUYỄN HÒA BÌNH, Phó Trưởng CA TP Quy Nhơn
“Ðề tài cần đề cập đến việc quy hoạch các trung tâm vui chơi lớn để phục vụ du khách về đêm, bổ sung việc tận dụng khai thác các khu vui chơi như công viên thiếu nhi. Ngoài ra, đề tài cũng nên định hướng cho một số tuyến đường, khu vực chủ yếu đang có thế mạnh phát triển kinh tế, không nên đề cập dàn trải nhiều tuyến đường là khó thực thi…”. Ông LÊ VĂN TÂM, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh
Theo đó, thuận lợi để phát triển kinh tế về đêm là TP Quy Nhơn ngày càng phát triển KT-XH, khách du lịch tới Quy Nhơn có xu hướng tăng cao và đều… Tuy nhiên, khó khăn, hạn chế khi chưa có quy hoạch bài bản phát triển dịch vụ về đêm. Dịch vụ kinh tế đêm còn nghèo nàn, quy mô dịch vụ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách và người dân. “Thực tế thời gian qua TP Quy Nhơn cũng đã chú trọng phát triển các hoạt động dịch vụ đêm, cụ thể là các điểm vui chơi, giải trí, các khu chợ đêm, Phố ẩm thực, Phố văn hóa - nghệ thuật Quy Nhơn… nhưng vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa thu hút được khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế để họ ở lại nhiều ngày và chi tiêu nhiều tiền”, Th.S Nguyễn Trần Thi, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho biết.
Theo kết quả khảo sát 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ ban đêm trên địa bàn TP Quy Nhơn và vùng phụ cận (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh; thị trấn Diêu Trì, xã Phước Lộc ở huyện Tuy Phước;  xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) cho thấy, đa số các hoạt động về đêm chủ yếu nhằm phục vụ cho người dân địa phương. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cho biết, đối tượng phục vụ chính là người dân địa phương chiếm tỷ lệ 61,9% và khách du lịch là 38,1%. Đối với các cửa hàng, siêu thị tiện lợi, phục vụ người dân địa phương chiếm tỷ lệ 62,5% và khách du lịch là 37,5%. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke, phục vụ người dân địa phương chiếm tỷ lệ 64,3% và khách du lịch là 35,7%... Bên cạnh đó, có 64,4% số cơ sở kinh doanh cho rằng kinh tế đêm mang lại lợi ích cao và rất cao.
 
viewimage (2)
Tuyến đường Nguyễn Thị Định, phường Nguyễn Văn Cừ là nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn kinh doanh dịch vụ về đêm ở TP Quy Nhơn. Ảnh: HOÀI THU

Qua nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, khảo sát thực địa, nhóm nghiên cứu đề xuất cần tập trung phát triển các địa bàn về kinh tế đêm đối với các phường Ngô Mây, Trần Phú, Đống Đa, Nguyễn Văn Cừ, Lê Lợi, Hải Cảng, Thị Nại, Lý Thường Kiệt, Ghềnh Ráng và xã Nhơn Lý. Các khu vực địa bàn phát triển kinh tế đêm cần được quy hoạch bài bản phát triển các dịch vụ về đêm, phù hợp với hiện trạng phát triển hiện có, hài hòa nhu cầu của các bên. Những hoạt động kinh tế đêm tại các khu vực này không chỉ là những hoạt động giải trí thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch mà còn phục vụ nhu cầu kinh doanh, tiêu dùng, giải trí của người dân địa phương.
Đề tài cũng đề xuất một số giải pháp về xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng; cơ chế chính sách; phát triển thị trường… nhằm phát triển kinh tế đêm của TP Quy Nhơn và vùng phụ cận. Đặc biệt, đề xuất cụ thể 3 mô hình lớn là các khu downtown (khu kinh doanh lớn) gồm: Bãi biển không ngủ, Phố đi bộ, Du lịch thủy nội địa trên đầm Thị Nại. 4 mô hình nhỏ thuộc mô hình bãi biển không ngủ là: Công viên kinh khí cầu Quy Nhơn, Khu vực cắm trại đêm, Rạp chiếu phim trên biển, Mô hình Công viên thuyền thúng Quy Nhơn.
“Nhóm nghiên cứu chúng tôi bám theo quy hoạch không gian của UBND TP Quy Nhơn; tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, các mô hình thành công;  đi tìm hiểu tại các địa phương đã làm thành công các mô hình kinh tế đêm; khảo sát thực tế… từ đó đề xuất các khu vực kinh doanh kinh tế đêm. Đặc điểm chung các giải pháp đưa ra là xa khu dân cư; tính toán các phương án có thể kết nối được với các điều kiện hạ tầng sẵn có”, Th.S Nguyễn Trần Thi cho biết thêm. Sau buổi hội thảo, nhóm nghiên cứu tiếp tục tổng hợp các ý kiến điều chỉnh báo cáo, đưa ra Hội đồng nghiệm thu dự kiến vào giữa tháng 12.2020. 

Nguồn tin: Theo HỒNG HÀ Báo Bình Định:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập18
  • Tổng lượt truy cập5,206,190
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây