Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, GDP quý I/2023 tăng 3,32%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dự báo 1 trong 2 kịch bản tăng trưởng năm 2023 là 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị).
Tuy nhiên, trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%). Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2 là phấn đấu tăng trưởng cả năm 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2021-2025.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP).
Chia sẻ thêm về vấn đề này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3/4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kết quả tăng trưởng quý I cho thấy, thực tiễn đúng theo những gì Chính phủ đã dự báo, đánh giá khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. “Thực tế đã diễn ra đúng như nhận định, thậm chí những khó khăn, thách thức còn lớn hơn những gì chúng ta dự kiến”, ông Phương nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn trên toàn thế giới do lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế lớn trên thế giới, cầu giảm, tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine…, thì kết quả tăng trưởng của quý I được đánh giá ở mức khá so với bình quân chung trên thế giới và khu vực, khi mà các nền kinh tế khác được dự báo là tăng trưởng ở mức rất thấp.
Do đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề, giải pháp để quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội giao.
Thứ nhất, phải nỗ lực, cố gắng rất lớn để bù đắp những gì quý I chưa đạt được. Theo đó, phải duy trì quan điểm nhất quán, trước tiên là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. “Đây là yếu tố nền tảng, quyết định mọi thứ để có thể triển khai các giải pháp khác nhằm phục hồi cũng như thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế những tháng còn lại”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ hai, điều hành linh hoạt, hiệu quả, và thận trọng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, vừa đảm bảo chống chọi với khó khăn do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ nguồn lực cho nền kinh tế để duy trì hoạt động và phát triển.
Thứ ba, phải rà soát ngay tất cả các chính sách, động lực tăng trưởng còn lại của nền kinh tế để tập trung tác động, lấy tăng trưởng của khu vực thuận lợi để bù đắp khu vực khó khăn.
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, khu vực sản xuất chế biến, chế tạo gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng ở mức thấp, tăng trưởng âm. Vì thế, những động lực còn lại cần phải quan tâm hơn, với nông nghiệp là trụ đỡ. Dịch vụ tăng trưởng tốt cũng được xem là lĩnh vực cần tập trung để bù đắp cho các lĩnh vực khác.
Ở khía cạnh tiêu dùng, động lực xuất khẩu tuy giảm về quy mô nhưng vẫn duy trì được thặng dư xuất khẩu với xuất siêu 4 tỷ USD.
Trong lĩnh vực đầu tư, đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Thứ trưởng khẳng định, vai trò của đầu tư công hết sức lớn và Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là giải pháp then chốt trong động lực về đầu tư và tăng trưởng.
Một lĩnh vực cũng cần rà soát là phát triển thị trường trong nước, bởi khi xuất khẩu gặp khó khăn thì vai trò của thị trường trong nước hết sức quan trọng. Phải áp dụng tất cả các giải pháp để khuyến khích thị trường trong nước phát triển hơn.
Bên cạnh những giải pháp chung đã nêu trong Nghị quyết 01 của Chính phủ, cũng như các nghị quyết chuyên đề theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong kiến nghị mới nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu một giải pháp khá mới trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tất cả các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đó là tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở.
Ở Trung ương, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt việc thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, tổ công tác đặc biệt. “Ở địa phương, cũng cần tương tự như vậy”, ông Phương nói.
Cụ thể, kiến nghị các địa phương cũng thành lập các tổ công tác đặc biệt, tập trung giải quyết thẳng vào các dự án, các doanh nghiệp đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc tại địa phương để có cơ hội ổn định sản xuất, kinh doanh. “Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng hết sức lớn từ các cấp, các ngành”, Thứ trưởng bày tỏ.
Về chi tiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, trong đó sẽ có những giải pháp cụ thể, phân công cho từng cơ quan, bộ, ngành Trung ương và các địa phương.