Tháo gỡ vướng mắc để nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển
Thứ tư - 05/04/2023 13:42
Ðây là vấn đề quan trọng được đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh trong chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023, được UBND tỉnh tổ chức sáng 4.4.
Cùng chủ trì hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Tuấn Thanh, Nguyễn Tự Công Hoàng, Lâm Hải Giang. Dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi.
Rà soát toàn bộ các dự án đầu tư, giải phóng vướng mắc Báo cáo tại hội nghị do Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi trình bày cho thấy, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) quý I/2023 toàn tỉnh tăng 4,1% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này cao hơn bình quân cả nước (GDP cả nước quý I tăng 3,3%); xếp thứ 40/63 tỉnh, thành; 11/14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; xếp thứ 3/5 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm mạnh, tồn kho tăng cao, sản lượng tiêu thụ chậm so cùng kỳ, nhất là các ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm tấm lợp bằng kim loại, cấu kiện thép; chế biến sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất; chế biến thủy sản… Ảnh: T.H
Trong nhiệm vụ quý II/2023, khu vực nông, lâm, thủy sản tập trung công tác thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, chuẩn bị triển khai sản xuất vụ Hè Thu. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi năm 2023 và định hướng năm 2024, 2025. Tăng cường công tác quản lý, giám sát công tác chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật. Tiếp tục triển khai các giải pháp để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)…
Cùng với các giải pháp cho phát triển trong quý II/2023, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo tiến độ cho 39 dự án trọng điểm (trên 100 tỷ đồng trở lên) đang triển khai sớm đi vào hoạt động theo tiến độ, trong đó có 11 dự án dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023. Hiện, Sở Công Thương có 3 tổ công tác thường xuyên đến tận DN nắm bắt tình hình khó khăn để cùng phối hợp với các ngành, địa phương gỡ khó kịp thời.
Trong khi đó, với ngành xây dựng trong năm nay có 43 dự án đã và đang triển khai thi công, cũng như thực hiện các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng (13 dự án nhà ở xã hội, 8 nhà ở thương mại, 22 dự án khu đô thị, khu dân cư), với tổng mức đầu tư khoảng 62.459,82 tỷ đồng.
Tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án bất động sản (bao gồm cả bất động sản du lịch…). Rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản theo chức năng, thẩm quyền của từng cơ quan đơn vị; chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo cho biết, trong tháng 6 tới, Sở Xây dựng cũng báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua các điều kiện hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đặc biệt giải phóng mặt bằng để tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư nhà ở xã hội. Còn 8 dự án nhà ở thương mại thì 2 dự án đến cuối tháng 12.2022 đã dừng là dự án 1 Nguyễn Tất Thành và dự án 8 Trần Bình Trọng đang điều chỉnh thiết kế…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ dự án đầu tư của các DN hiện có trên địa bàn tỉnh, giải phóng toàn bộ vướng mắc cho nhà đầu tư, DN mở rộng sản xuất và xây dựng mới. Tiếp tục hỗ trợ DN gỡ khó để mở rộng sản xuất, kinh doanh…
Điều hành và ra quyết định bằng các số liệu, dữ liệu Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh để thực hiện mục tiêu tối thiểu tăng trưởng GRDP cả năm 2023 đạt thấp nhất 7% phải bắt đầu điều hành và ra quyết định bằng các số liệu, dữ liệu. Các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là 7 chương trình hành động của Tỉnh ủy.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích; cùng với tỉnh thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án chế biến nông lâm thủy sản và quyết liệt khắc phục IUU; phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi… Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tập trung cho phát triển du lịch, đặc biệt địa bàn TP Quy Nhơn. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, mở rộng mặt hàng xuất khẩu, trong đó chú trọng cho xuất khẩu sản phẩm OCOP…
Đối với lĩnh vực đầu tư và tài chính, các chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các dự án đầu tư đảm bảo các quy định về chất lượng công trình, dự án, kiên quyết xử lý các nhà thầu, đơn vị thi công yếu kém. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và kiên quyết chuyển vốn ở những địa phương, dự án không đảm bảo tiến độ giải ngân. Thực hiện các giải pháp thu ngân sách, trong đó tập trung thu tiền sử dụng đất, mạnh dạn tổ chức đấu giá, đưa mặt bằng giá đất về giá trị thực góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất… Các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý trật tự đô thị, lập lại trật tự, kỷ cương, chống lấn chiếm đất đai. Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, thu gom chất thải rắn, Chủ tịch tỉnh phê bình một số địa phương triển khai chưa kịp thời theo kế hoạch, nguồn lực đã được UBND tỉnh phê duyệt và phân bổ cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu 11 huyện, thị xã, thành phố chủ động xem lại toàn bộ số liệu chi tiết kết quả phát triển KT-XH quý I, chỉ ra nguyên nhân, tồn tại, và đề ra các giải pháp thích hợp trong quý II và những tháng tiếp theo. Tiếp tục tập trung triển khai các dự án đã đăng ký, giải phóng mặt bằng thi công các dự án trên địa bàn; nghiên cứu, đề xuất các lĩnh vực dự án mang tính đột phá, phát triển địa phương. Bên cạnh đó, cần quán triệt, chỉ đạo các xã, phường, phòng, ban tập trung hỗ trợ người dân, DN phát triển kinh tế; tập trung đề xuất các dự án lớn, đột phá cho phát triển KT-XH…
UBND tỉnh sẽ thành lập 2 tổ công tác nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư; và kiểm tra công vụ đội ngũ công chức, viên chức.