Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Bình Ðịnh đang phát triển mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn, mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng. Ðồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập của tổ chức, cá nhân.
Đa dạng các giải pháp thanh toán Chủ động phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định) đã củng cố và phát triển 23 điểm giao dịch tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đầu tư lắp đặt 3 máy CDM, 45 máy ATM, 65 máy POS tại các địa phương, cung cấp cho khách hàng các dịch vụ giao dịch TTKDTM qua các kênh Internet Banking, E-Mobile Banking, thanh toán qua liên kết với các ví điện tử… Nhờ mạng lưới giao dịch tín dụng rộng khắp, Agribank Bình Định dễ dàng chuyển tải dòng vốn cùng các dịch vụ tiện ích đến với khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Giám đốc Agribank Bình Định, cho hay: TTKDTM đang là nhu cầu của mọi đối tượng, với tất cả quy mô thanh toán và là xu hướng không thể đảo ngược. Vì thế, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng, cụ thể hóa chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, ngân hàng đã thực hiện nhiều đợt miễn phí phát hành thẻ, tăng thêm lãi suất tiền gửi qua các kênh Internet Banking, E-Mobile Banking so với gửi tại quày nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện các hình thức giao dịch này. Nhờ đó, ở Agribank Bình Định, TTKDTM chiếm tỷ lệ lớn trên tổng giá trị giao dịch. Mục tiêu của Agribank Bình Định là tiếp tục nâng cấp tiện ích, phục vụ khách hàng, trong đó chú trọng nhóm khách hàng khu vực nông thôn - khu vực có tiềm năng rất lớn.
Đón đầu xu hướng dịch chuyển các hoạt động giao dịch tín dụng từ trực tiếp sang trực tuyến, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Sacombank, HD Bank, Techcombank... cũng đầu tư mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ, đồng thời đa dạng các dịch vụ, gia tăng tiện ích, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Đến nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Bình Định (Sacombank Bình Định) đã lắp đặt 61 máy ATM và máy POS tại các địa phương trong tỉnh. Quý I/2023, tổng giá trị giao dịch của Ngân hàng đạt 39.480 tỷ đồng, trong đó TTKDTM chiếm tỷ lệ 83%. Nói về lợi ích từ việc thúc đẩy TTKDTM, ông Lê Vũ Cảnh, Phó Giám đốc Sacombank Bình Định, cho hay: Cả ngân hàng và khách hàng đều hưởng lợi từ hoạt động TTKDTM nên việc Sacombank Bình Định đầu tư mở rộng mạng lưới hoạt động, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng là điều dễ hiểu. Phía ngân hàng chủ động tạo ra môi trường thuận lợi để hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả ngân hàng và khách hàng.
Mở 2 tài khoản tại Agribank Bình Định và Sacombank Bình Định, anh L.T.Đ, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, chuyên cung cấp các mặt hàng thủy sản cho thị trường các tỉnh, thành trong nước, chia sẻ: Bây giờ ngồi ở nhà hay bất cứ nơi đâu, mình cũng có thể giao dịch với các đối tác thông qua tài khoản ngân hàng, không cần phải cầm số tiền lớn trực tiếp đến giao cho khách hàng. Điều này, giúp tôi giải quyết được rất nhiều việc.
Qua việc thanh toán học phí cho con và thanh toán tiền điện, tiền nước, đặt vé máy bay, vé tàu xe… thông qua dịch vụ ngân hàng, chị N.T.T.A. ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, cho hay: Lợi ích dễ nhận thấy nhất là giao dịch thực hiện nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và không bị ảnh hưởng đến công việc, do việc thanh toán có thể thực hiện ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi đâu.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 235 máy ATM, 1.511 máy POS đang hoạt động ổn định. Trao đổi với chúng tôi, đại diện nhiều ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ để tăng cường các giải pháp tài chính, đảm bảo giao dịch của khách hàng luôn được đáp ứng liên tục, an toàn; đồng thời gia tăng tiện ích và trải nghiệm thú vị cho khách hàng.
TTKDTM phát triển mạnh trên lĩnh vực dịch vụ công Việc các ngân hàng thúc đẩy TTKDTM còn thể hiện rõ trong vấn đề hợp tác với các đơn vị sự nghiệp hành chính, các tổ chức, cá nhân để mở rộng mạng lưới thanh toán. Các đơn vị này cũng xác định TTKDTM là một trong những là khâu quan trọng trong cải cách hành chính, hướng đến xây dựng hệ thống quản trị tài chính công hiện đại, minh bạch, tạo nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện, nên đã quán triệt và triển khai nhanh dịch vụ nói trên.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về TTKDTM đối với dịch vụ công trong năm 2022 cho thấy, số tiền thu ngân sách nhà nước qua tài khoản ngân hàng đạt 99% tổng thu ngân sách; chi nhận BHXH 1 lần qua ngân hàng đạt 95,7%; 92,3% cơ sở trực thuộc Sở GD&ĐT triển khai thu học phí qua tài khoản ngân hàng; 86% cơ sở y tế đã lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ tại đơn vị; tỷ lệ thu phí, lệ phí thủ tục hành chính qua ngân hàng tại Trung tâm hành chính công tỉnh đạt 100%... Điều này góp phần nâng tổng số lượng giao dịch TTKDTM qua ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking… trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt 31,863 triệu món với tổng giá trị giao dịch đạt gần 600 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, cho hay: Dịch vụ TTKDTM phát triển đã làm thay đổi dần thói quen thanh toán, qua đó giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông và giảm chi phí liên quan đến tiền mặt. TTKDTM cũng góp phần gia tăng lượng khách hàng và các giao dịch tín dụng, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm kinh tế trên địa bàn tỉnh. Từ lợi ích đó, Chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đa dạng và gia tăng tiện ích, giảm chi phí phát sinh, nhằm phát triển dịch vụ TTKDTM sâu rộng hơn.