Khu kinh tế Bình Định

Tôn Hoa Sen bứt phá xuất khẩu

Thứ hai - 12/04/2021 05:41
Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, nhà máy tôn Hoa Sen Nhơn Hội tại Bình Ðịnh (thuộc Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nhơn Hội Bình Ðịnh) chạy tối đa công suất các dây chuyền, cung ứng ra thị trường mỗi tháng hơn 40.000 tấn sản phẩm; riêng xuất khẩu tăng 50% sản lượng so với năm 2020.
Mùng 6 tết Tân Sửu 2021, Hoa Sen Nhơn Hội xuất lô hàng 8.000 tấn đi Ấn Độ, qua cảng Quy Nhơn
Mùng 6 tết Tân Sửu 2021, Hoa Sen Nhơn Hội xuất lô hàng 8.000 tấn đi Ấn Độ, qua cảng Quy Nhơn
Dồn dập đơn hàng xuất khẩu
Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nhơn Hội Bình Định mở hàng xuất khẩu năm mới ngay mùng 6 Tết, với lô hàng tôn mạ lên đến hơn 8.000 tấn xuất đi Ấn Độ. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ khi “bắt rễ” tại Bình Định, tôn Hoa Sen hoạt động xuyên Tết để kịp có đủ hàng xuất sang Ấn Độ và một loạt đơn hàng tiếp ngay sau đó.
Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh tiếp tục gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì từ đầu năm 2021 đến nay xuất khẩu tôn, thép (đặc biệt mặt hàng tôn) của nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội vẫn chiếm 60% tổng lượng sản phẩm tôn thành phẩm đưa ra thị trường. 8 dây chuyền: Tẩy, cán, mạ thành phẩm tôn lạnh, tôn màu và thép dày, hoạt động hết công suất.
Ngoài các thị trường xuất khẩu hiện có như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, năm nay Hoa Sen Nhơn Hội đã có mặt tại Philippines, Singapore, Tây Ban Nha, Bỉ. Ông Văn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nhơn Hội Bình Định, cho biết: “Tận dụng cơ hội thuế nhập khẩu thấp, đặc biệt một số thị trường gần như bằng 0% do các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo ra, chúng tôi xâm nhập thêm một số thị trường mới ở châu Âu và Đông Nam Á. Đặc biệt, hiện lượng hàng xuất sang châu Âu khoảng 9.000 - 10.000 tấn/tháng”.
Tín hiệu tích cực
Đánh giá của Sở Công Thương, sản xuất công nghiệp xuất khẩu của tỉnh 3 tháng đầu năm nay tiếp tục gặp khó do dịch Covid-19, chỉ tăng 7,06% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng ngành hàng chủ lực trong công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 3,3%), cụ thể các ngành hàng chế biến gỗ giảm 9,22%, dược phẩm giảm 9,91%; chế biến thực phẩm, may mặc cố gắng lắm cũng chỉ mới hồi phục lại thì sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn lại tăng vọt 28,7%. Đóng góp tôn thép Hoa Sen vào mức tăng trưởng của ngành này chiếm tỷ trọng vượt trội.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương cho hay: Xuất khẩu tôn của Hoa Sen Nhơn Hội tăng cao đẩy sản lượng sản xuất tấm lợp kim loại trong chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh từ đầu năm đến nay tăng gần 54%. Đây là tín hiệu tích cực, dự báo cho một năm khởi sắc ngành tôn thép, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung ngành công nghiệp của tỉnh.
Ông Văn Thành Trung cho biết, Hoa Sen Nhơn Hội đặt mục tiêu doanh thu 2021 hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2020 (4.400 tỷ đồng); trong đó xuất khẩu ước đạt 50 - 60% tổng doanh thu (ước đạt lãi gộp và đóng góp ngân sách nhà nước cho tỉnh tăng hơn 10%, tương ứng khoảng 150 tỷ đồng). Để đạt những chỉ tiêu trên, DN không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm ngày càng cao, tiết giảm chi phí hiệu quả để nâng cao lợi thế cạnh tranh trong nước và xuất khẩu. Song song với việc giữ thị trường xuất khẩu hiện tại, sẽ mở rộng thêm thị trường mới của châu Âu, châu Mỹ và Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngành tôn thép biến động rất lớn khi chịu chi phối về phòng vệ thương mại. Chưa kể, khi công suất sản xuất trong nước dư thừa do mở rộng quy mô sản xuất, các hãng tôn trong nước phải tăng cường xuất khẩu. Trừ những quốc gia đã ký FTA với Việt Nam, trong tình huống này, tại những nước chưa gia nhập các hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên hoặc chưa ký FTA song phương với Việt Nam, thâm nhập thị trường mới gặp khá nhiều khó khăn do việc họ bảo hộ nền sản xuất trong nước.
Ông Ngô Văn Tổng cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển ngành tôn thép trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe, cạnh tranh gay gắt về giá, chất lượng, đòi hỏi DN phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, công nghệ, nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường... Giải quyết triệt để tình trạng mất cân đối cung - cầu trong nước, tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tránh vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại không đáng có. Để hạn chế rủi ro, cần chú ý diễn biến thị trường, làm tốt dự báo để có chính sách bán hàng phù hợp, ứng phó linh hoạt với diễn biến khó lường của thị trường trong nước, thế giới.
 

Nguồn tin: Theo MAI HOÀNG Báo Bình Định:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập12
  • Tổng lượt truy cập5,506,183
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây