Khu kinh tế Bình Định

Một số giải pháp cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án

Thứ sáu - 02/04/2021 05:56
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của toàn tỉnh, Khu kinh tế Nhơn Hội là một trong những địa bàn được các nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư phát triển, tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn Khu kinh tế được thực hiện trong điều kiện chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất triển khai các dự án còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với giá thị trường nhưng chậm được điều chỉnh, trong khi đất đai ngày một có giá trị; công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra nhiều nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để; sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các địa phương trong quá trình thực hiện GPMB đối với các dự án còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức.
 
Một số giải pháp cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án
Để khắc phục những bất cập nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo được hình ảnh tốt về môi trường đầu tư của Khu kinh tế, kịp thời đáp ứng được quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư triển khai các dự án, thì cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể như sau:
 1. Về công tác quản lý, quy hoạch đất đai: Lập Tổ công tác chống lấn chiếm có sự tham gia của UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, ban ngành để quản lý chặt chẽ đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt, ngăn chặn việc lấn chiếm, xây dựng trái phép và hạn chế việc tranh chấp, đảm bảo cơ sở xác định đúng hiện trạng, nguồn gốc và thời gian sử dụng đất, phục vụ tốt việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ một cách chính xác, đúng quy định. 
2. Nguồn vốn luôn được cân đối bố trí thích hợp trước khi quyết định chủ trương đầu tư, đặc biệt là nguồn kinh phí để chi trả cho bồi thường, hỗ trợ chi trả cho người có đất thu hồi, để tránh làm phức tạp tình hình và mất lòng tin của người dân.  
3. Việc đo đạc địa chính phục vụ GPMB, luôn lựa chọn kỹ đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để hợp đồng đo đạc và tổ chức nghiệm thu đúng theo quy định, tránh thực hiện không đúng quy trình, thủ tục dẫn đến những sai sót khi GPMB phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại, từ đó làm gián đoạn ¬kéo dài thời gian GPMB đối với các dự án. 
4. Khi lập kế hoạch và thực hiện GPMB phải đảm bảo trình tự, thủ tục quy định và đúng thực tế từng dự án, đồng thời vận dụng linh hoạt giữa các bước trong trình tự (nhưng đảm bảo quy định), không máy móc theo tuần tự để rút ngắn thời gian GPMB. 
5. Cơ quan được giao nhiệm vụ lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB phải phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi có đất thu hồi, bằng nhiều hình thức đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất  đai, bồi thường và hỗ trợ, tái định cư cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới các đối tượng có đất bị thu hồi, trước hết là cán bộ, đảng viên, quần chúng gương mẫu nhằm nâng cao nhận thức về trách  nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện dự án. 
6. Thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch và đối thoại với các đối tượng bị thu hồi đất để thuyết phục, khắc phục những thiếu sót nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thắc mắc, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi, đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án được giao.  
7. Tiếp nhận, phân loại, xác minh làm rõ và giải quyết có tình, có lý, không để dây dưa kéo dài, đặc biệt là các đơn thư kiến nghị của các đối tượng bị ảnh hưởng các dự án, nhằm kịp thời khắc phục những thiếu sót hoặc giải thích, đả thông những dư luận, thông tin không đúng.  
8. Quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, cơ quan được giao nhiệm vụ phải kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để cấp thẩm quyền có hướng chỉ đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan kịp thời xử lý, giải quyết đúng theo yêu cầu, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ GPMB đối với các dự án.  
9. Sẳn sàng áp dụng các biện pháp mạnh đối với các trường hợp phương án bồi thường, hỗ trợ đã tính đúng, đủ và đảm bảo đúng chế độ chính sách, pháp  luật và đã giải thích, vận động, đối thoại công khai, nhưng vẫn cố tình khiếu nại không bàn giao mặt bằng.      
10. Thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB thu hồi đất về các kỹ năng xử lý tình huống, tiếp xúc dân, vận động, kiến thức pháp lý,…. để nâng cao chất lượng thu thập hồ sơ, xây dựng phương án, giải quyết đơn thư của dự án nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.  
11. Đối với những dự án, công trình lớn, phức tạp cần có sự quan tâm theo dõi, nắm tình hình và có biện pháp chỉ đạo kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án của các cấp lãnh đạo. 
12. Các cấp, các ngành chức năng có thẩm quyền cần thường xuyên  điều tra, thu thập thông tin để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chính sách bồi  thường, hỗ trợ, đặc biệt là giá bồi thường về công trình, vật kiến trúc gắn liền với đất, về giá cây trồng cho sát thực tế nhằm tạo sự  đồng thuận cao của những đối tượng có đất thu hồi thực hiện công trình, dự án.  
Với các giải pháp như trên thì việc GPMB các dự án sẽ được đảm bảo hoặc được rút ngắn hơn so với yêu cầu, kế hoạch đề ra. Tạo được sự đồng thuận trong nhân dân khi thu hồi đất, đặc biệt là đáp ứng được kịp thời quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, công trình. Từ đó, tạo niềm tin về môi trường đầu tư để các nhà đầu tư yên tâm đến bỏ vốn làm ăn phát triển, nhằm tạo nguồn lực phát triển Khu kinh tế. 


 

Nguồn tin: Đặng Văn Nhẩn, trích từ Bản tin KKT số Xuân 2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập9
  • Tổng lượt truy cập5,204,864
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây