Khu kinh tế Bình Định

Hội thảo trực tuyến về Chính sách đầu tư và Kinh doanh

Thứ sáu - 19/03/2021 06:00
Ngày 12/3/2021, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung tâm ASEAN - Japan (AJC) tổ chức Hội thảo trực tuyến về Chính sách đầu tư và Kinh doanh dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
 
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhật Hoàng phát biểu
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhật Hoàng phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia có đầu tư lớn vào Việt Nam cả về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản ngày càng được đẩy mạnh. Trong thời gian tới, việc tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản cùng với các giải pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ được Việt Nam rất quan tâm.
Tại Hội thảo, giới thiệu các nội dung mới của Luật Đầu tư 2020 và dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài Dương Thị Vĩnh Hà cho biết, Luật Đầu tư 2020 được ban hành với mục tiêu tổng thể là nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Luật đã quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận "chọn bỏ".
Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, Luật đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan.
Cụ thể, bổ sung quy định khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành; phát triển công nghiệp môi trường.
Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện chính sách này. Bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay.
Về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư; nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không cần thiết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, Luật quy định phân định rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; chấp thuận nhà đầu tư, chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.
Đồng thời, Luật điều chỉnh phạm vi các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật đã bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết các hình thức đầu tư mới nhằm bảo đảm thích ứng với các mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới đang phát triển nhanh chóng dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Giới thiệu Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, Trưởng phòng Nghiệp vụ đăng ký doanh nghiệp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Nguyễn Hồng Vân cho biết, những cải cách quan trọng nhất của Luật doanh nghiệp 2020 bao gồm: cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường, nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến; nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sửa hữu nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ quan tâm về các điểm mới của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp năm 2020, các giải pháp, chính sách của Chính phủ để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19, vấn đề kết nối giữa các cơ quan đầu tư với các cơ quan khác…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng đánh giá cao sự hợp tác của Trung tâm ASEAN - Japan. Đồng thời cho biết, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng quan hệ đầu tư, kinh doanh với Việt Nam trong thời gian tới./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE
  • Đang truy cập12
  • Tổng lượt truy cập5,204,972
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây