ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH CHẾ BIẾN DĂM GỖ
Thứ tư - 10/03/2021 15:49
Trước đây vài năm, ngành công nghiệp chế biến dăm gỗ tỉnh Bình Định nói chung và các DN trong KCN nói riêng phát triển mạnh, đã giúp tháo gỡ khó khăn và nhu cầu tiêu thụ rừng trồng trong dân cư hàng chục năm qua, cây keo được xem là cây xóa đói giảm nghèo không chỉ của người dân Bình Định mà của nhiều tỉnh thành trong nước, nhất là khu vực miền Trung.
Đến nay, ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ đã trở thành một hợp phần quan trọng trong hệ sinh thái ngành gỗ, mặc dù gặp nhiều yếu tố bất lợi trong năm 2020, nhưng nhờ sự nỗ lực của các DN trong ngành dăm gỗ, sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền địa phương giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành dăm gỗ liên tục tăng trưởng, không chỉ đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, mà còn góp phần tăng độ che phủ rừng, tăng lượng cung ứng gỗ rừng trồng trong cả nước cho các ngành công nghiệp chế biến gỗ khác như đồ gỗ, ván nhân tạo…, hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn gỗ nhập khẩu ngày càng khan hiếm. Năm 2009, cả tỉnh có 08 nhà máy chế biến dăm gỗ (có 04 DN trong KCN) với lượng dăm xuất khẩu khoảng 189.000 tấn (các DN trong KCN xuất khẩu 107.000 tấn), với kim ngạch xuất khẩu gần 22 triệu USD (các DN trong KCN đạt 12,43 triệu USD). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 15 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu với tổng công suất đạt hơn 01 triệu tấn/năm (các DN trong KCN năm 2020 xuất khẩu gần 500.000 tấn dăm gỗ với tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 70 triệu USD chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu trong KKT, các KCN).
Tuy nhiên, để ngành dăm gỗ phát triển bền vững, chúng ta cần phải:
Thứ nhất, đa dạng hóa sản phẩm đầu ra vì Dăm gỗ có thể đưa vào sản xuất MDF hoặc viên nén năng lượng tái tạo (viên nén gỗ). Đây là hai nhóm ngành được đánh giá có thị trường tương đối mở trong thời gian đến. Hiện, các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, châu Âu… nhu cầu sử dụng loại nguyên liệu đốt này đang phát triển mạnh và ngày càng tăng cao, do vậy, các DN cần nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình sản phẩm.
Thứ hai, phải đa dạng hóa về thị trường xuất khẩu, việc tránh phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống như hiện nay. Trên thực tế, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới như Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản… Trong đó Nhật Bản đang nổi lên như là một thị trường tiềm năng xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam.
Thứ ba, Chính phủ và chính quyền các địa phương nơi có các diện tích rừng trồng lớn và các cơ sở chế biến sâu chưa phát triển cần ban hành các cơ chế và chính sách vĩ mô nhằm thu hút đầu tư chế biến sâu vào các vùng này, các cơ chế và chính sách này cần ưu tiên cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistic, ưu đãi về thuê đất, tại chuỗi liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng, liên kết giữa ngành dăm và các ngành chế biến sâu.
Thứ tư, Chính phủ nên cân nhắc việc bãi bỏ mức thuế xuất khẩu dăm ở mức 2% như hiện nay. Việc bãi bỏ này sẽ đem lại lợi ích ngay lập tức và trực tiếp cho hơn 01 triệu hộ trồng rừng, bên cạnh đó giúp doanh nghiệp ngành dăm gỗ có nguồn lực tái đầu tư để sản xuất.
Theo đó, Chi hội Dăm gỗ Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp cơ bản cho ngành chế biến dăm gỗ trong thời gian đến như:
- Tập trung phát triển rừng trồng được quản lý bền vững và có chứng chỉ, đảm bảo khai thác hiệu quả cả về sản lượng và chất lượng rừng trồng.
- Chú trọng công tác nghiên cứu và phát triển giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, khai thác bảo quản sản phẩm rừng đối với mặt hàng đam gỗ và sản phẩm sau dăm gỗ,
- Tích cực tham gia công tác tham mưu xây dựng và phản biện chính sách ngành dăm gỗ như một tiếng nói quan trọng của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam.
- Vai trò của Hiệp hội cần được nâng cao nhằm tạo sự đồng thuận và phối hợp hiệu quả giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ và đơn vị trồng rừng, góp phần hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, gia tăng giá sản phẩm chế biến trên các thị trường quốc tế.
Nguồn tin: Tô Đình Sử, trích từ Bản tin KKT số Xuân 2021